Bắc Kạn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững:

Nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân - Bài 2

Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; là người quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ trọng tâm.

Với mục tiêu trên, Chương trình hành động của tỉnh Bắc Kạn chú trọng thực hiện tốt công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ cư dân nông thôn, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, văn hoá xã hội. Từng bước nâng cao đời sống, vật chất tinh thần, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của nông dân và cư dân nông thôn.

Diện mạo của Khu dân cư Bản Pẻn, xã Dương Quang, TP Bắc Kạn được đầu tư xây dựng khang trang.
Diện mạo của Khu dân cư Bản Pẻn, xã Dương Quang, TP Bắc Kạn được đầu tư xây dựng khang trang.

Cụ thể, tới năm 2030 tỉnh phấn đấu có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 98,5%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 65%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động nông thôn.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, tỉnh đã ban hành các chính sách nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, để nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất. Đặc biệt, ứng dụng KHCN vào bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp. Chú trọng hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn. Thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển, bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển, dịch vụ cơ bản nông thôn. Bố trí ổn định dân cư khu vực di cư tự do, khu rừng đặc dụng, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình, thôn, bản văn hoá.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ được chú trọng thực hiện.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ được chú trọng thực hiện.

Tập trung xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn về chuyển đổi số, văn hoá, giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn. Xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Ưu tiên kinh phí cho các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, không để chênh lệch lớn giữa các vùng. Nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện tốt cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để xây dựng nông thôn mới.

Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho lao động nông thôn thông qua bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thực hiện tốt Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở phát triển các ngành nghề, sản phẩm, du lịch trải nghiệm và dịch vụ đã có. Xây dựng các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện và phát huy lợi thế của địa phương trên cơ sở các ý tưởng kinh doanh mới.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn đa dạng, đồng bộ, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại; nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản…

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cư dân nông thôn nhằm xây dựng nông dân Bắc Kạn phát triển toàn diện, văn minh, đoàn kết, tự chủ, tự lực, có ý chí, có trình độ học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội./. (còn nữa).

Phan Quý

Xem thêm