“Cầu nối” đưa tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Na Rì

Với những đóng góp tích cực và hiệu quả qua thực tế hoạt động khiến cho các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được ví như những “cánh tay” nối dài của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Rì. Thông qua các tổ TK&VV, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Tổ TK&VV thôn Pò Pái, xã Cư Lễ kiểm tra danh sách thành viên còn dư nợ.
Lãnh đạo Tổ TK&VV thôn Pò Pái, xã Cư Lễ kiểm tra danh sách thành viên còn dư nợ.

Tổ TK&VV thôn Pò Pái, xã Cư Lễ do chị Hoàng Thị Cười làm tổ trưởng có 33 tổ viên tham gia, chủ yếu có nhu cầu về vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi. Tổng dư nợ hiện tại của tổ đạt gần 2 tỷ đồng. Chị Hoàng Thị Cười cho biết: Để tiếp cận nguồn vốn, điều kiện đầu tiên là gia đình đó phải có nhu cầu thực sự và chí thú làm ăn. Sau đó, tổ TK&VV họp bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ và đúng đối tượng.

Việc Phòng giao dịch Ngân hàng NHCSXH huyện Na Rì đặt điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã; niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay, hòm thư góp ý, số điện thoại "đường dây nóng"… thực sự mang lại lợi ích cho người dân. Khoảng cách gần, thủ tục đơn giản, minh bạch, lãi suất thấp lại được giao dịch trực tiếp với cán bộ ngân hàng giúp người dân tiết kiệm về thời gian và an tâm hơn.

Chị Hoàng Thị Cười cho biết thêm, sau khi được giải ngân, để bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, tổ TK&VV thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; thường xuyên đôn đốc các hộ vay tuân thủ quy định trả lãi đúng hạn. Đồng thời, tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm. Tại Tổ TK&VV thôn Pò Pái, hằng tháng các tổ viên đều thực hiện gửi tiết kiệm theo quy ước của tổ là 30.000 đồng. Đã có nhiều hộ sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, như: Lâm Thị Lành, Dương Thị Minh, Nông Thị Ảnh…

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng NHCSXH huyện Na Rì Hoàng Văn Thái cho biết: Tổng doanh số cho vay trong 20 năm qua của đơn vị là hơn 1.120 tỷ đồng với hơn 48.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đến hết 6/2022 là hơn 355 tỷ đồng, tăng hơn 346 tỷ đồng so với ngày đầu thành lập. Dư nợ tăng trưởng bình quân trên 18 tỷ đồng/năm, tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm đạt 23,2%. Dư nợ tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - chiếm trên 93%. Hiện nay có gần 6.000 hộ còn dư nợ, mức dư nợ bình quân là 59,9 triệu đồng/hộ.

Kết quả hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng NHCSXH huyện Na Rì có phần đóng góp quan trọng của các tổ TK&VV trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 245 tổ TK&VV, trong đó, Hội Phụ nữ có 70 tổ, Hội Nông dân có 68 tổ, Hội Cựu chiến binh có 55 tổ, Đoàn Thanh niên có 52 tổ. Trung bình 01 tổ TK&VV có 24 tổ viên; dư nợ bình quân hơn 1,4 tỷ đồng/tổ. Với các thức hoạt động “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, được cấp ủy, chính quyền các cấp ủng hộ. Qua thực tế hoạt động, có 217 tổ TK&VV xếp loại tốt, 23 tổ TK&VV xếp loại khá, 05 tổ TK&VV có chất lượng trung bình, không có tổ TK&VV hoạt động yếu kém.

Thực tế hoạt động cho thấy các tổ TK&VV chính là “cầu nối” giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng. Do các tổ TK&VV được thành lập theo cụm dân cư nên biết rõ nhu cầu vay vốn của từng hộ, nguồn vốn vì thế đến được đúng đối tượng thu hưởng theo quy định. Với trách nhiệm của mình, tổ TK&VV đã tích cực hướng dẫn hồ sơ vay, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ. Đồng thời, thường xuyên giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay; đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả, chấp hành nguyên tắc có vay có trả.../.

H.V

Xem thêm