Nâng cao năng lực lực lượng Kiểm lâm

Nhằm nâng cao năng lực lực lượng Kiểm Lâm tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực tập trung vào xây dựng lực lượng; đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Những năm qua, với tinh thần trách nhiệm cao, sự nỗ lực không biết mệt mỏi, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn đã vượt qua sự thiếu thốn phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng xuống cấp, đội ngũ cán bộ, viên chức thiếu hụt... thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Tổng diện tích đất lâm nghiệp được lực lượng Kiểm lâm quản lý rất rộng lớn với 417.538ha, chiếm 86% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, có 02 khu bảo tồn và 01 Vườn Quốc gia giàu tài nguyên, và hàng trăm nghìn héc-ta rừng tự nhiên, phòng hộ với địa hình chia cắt, hiểm trở. Cùng với đó, công tác phát triển rừng được thực hiện hiệu quả đã đạt tới 100.000ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,4%, cao nhất cả nước.

Trạm Kiểm lâm 62 (Chợ Mới) đã xuống cấp, được xây dựng mới trong thời gian tới.
Trạm Kiểm lâm 62 (Chợ Mới)  đã xuống cấp, được xây dựng mới trong thời gian tới.

Trong giai đoạn tới, trước yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc và Vườn Quốc gia Ba Bể; các khu rừng tự nhiên phòng hộ; đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học và đẩy mạnh phát triển rừng nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu toàn cầu..., lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã chủ động, tăng cường thực thi các văn bản pháp luật về lâm nghiệp thông qua việc thực hiện tốt các chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tăng cường trách nhiệm, sức chiến đấu của toàn lực lượng để quản lý chặt chẽ rừng và đất rừng, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về pháp luật về lâm nghiệp. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các chủ rừng, các ngành, các địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giám sát chặt chẽ việc trồng rừng thay thế. Chủ động phối hợp với các tỉnh trong khu vực quản lý tốt diện tích vùng rừng giáp ranh.

Ngày 10/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) giai đoạn 2021-2030. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, từ nguồn vốn 60,8 tỷ đồng ngân sách Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức thực hiện Dự án nâng cao năng lực PCCCR tỉnh Bắc Kạn với mục tiêu: Nâng cao năng lực PCCCR của lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng tham gia bảo vệ rừng tại cơ sở, có đủ khả năng dự báo, cảnh báo, kiểm soát cháy rừng, giảm nguy cơ cháy rừng, chữa cháy kịp thời hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất về thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ thành quả công tác trồng rừng hằng năm và diện tích rừng hiện có, duy trì ổn định độ che phủ rừng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 -2025.

Cụ thể, các hạng mục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gồm: Xây dựng 02 nhà Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ; xây dựng 17 nhà Trạm Kiểm lâm tại các huyện và các hạng mục phụ trợ (nhà bếp, nhà kho để thiết bị PCCCR, tang vật). Đặc biệt là xây dựng công trình PCCCR, cụ thể: Lắp đặt 16 bộ biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động; 216 biển chỉ dẫn, tuyên truyền; 216 biển cấm lửa, xây dựng 8km đường băng trắng cản lửa với chiều rộng băng 10m. Cùng với đó, đầu tư phương tiện, thiết bị PCCCR gồm: Xe ô tô, thuyền máy, hệ thống thiết bị chữa cháy rừng trên thùng xe ô tô bán tải; thiết bị giám sát phục vụ chỉ huy chữa cháy rừng trên không, loa phóng thanh cầm tay, ống nhòm ban ngày, bộ đàm cầm tay, máy định vị vệ tinh GPS, camera kỹ thuật số, máy tính để bàn, máy in, máy chiếu, bình cứu hỏa, máy cưa xích, máy thổi gió, ba lô đựng nước chữa cháy, mặt nạ chống khói, bàn dập lửa chuyên dụng, mũ và quần áo chuyên dụng chữa cháy rừng…

Ngoài ra, nhiều năm qua, tỉnh ta đã huy động nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án, vốn xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn xã hội hóa khác để tập trung xây dựng, mở mới gần 400km đường lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tới đây, tỉnh tiếp tục đầu tư gần 200 tỷ đồng để đẩy mạnh đầu tư mở đường lâm nghiệp, nhằm thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển hơn nữa.

Có thể thấy, việc tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đang được tỉnh chú trọng, góp phần đẩy nhanh mục tiêu thực hiện đưa kinh tế rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.

                                                                   Phan Quý

Xem thêm