Đóng góp ý kiến trên mạng xã hội cũng phải đúng luật

Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương xin ý kiến rộng rãi của Nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách. Việc xin ý kiến đối tượng chịu tác động là một quy định bắt buộc đối với những chính sách có tác động lớn đến xã hội. Tuy nhiên việc tham gia đóng góp ý kiến của Nhân dân phải trên tinh thần xây dựng, tuân thủ các quy định pháp luật, nhất là đối với những người sử dụng mạng xã hội.

Bộ Thông tin &Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà bất kỳ người sử dụng mạng xã hội đều phải thực hiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà bất kỳ người sử dụng mạng xã hội nào cũng đều phải tuân thủ.

Hiện nay dư luận quần chúng, nhất là cộng đồng mạng ở Bắc Kạn đang rất “nóng” bởi “đề xuất tăng học phí” ở các bậc học trên địa bàn tỉnh. Đây là nội dung được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh. Dự thảo này đang được cơ quan chủ trì soạn thảo là Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn xin ý kiến rộng rãi trước khi báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá X.

Có rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ người dân, nhất là các bậc phụ huynh học sinh gửi đến cơ quan soạn thảo. Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Bắc Kạn thông tin cho chúng tôi biết: Chưa khi nào một chính sách lại thu hút sự quan tâm của đông đảo cha mẹ học sinh đến vậy. Tất cả các lớp của trường đều nhận được ý kiến đóng góp của phụ huynh học sinh đối với Dự thảo Nghị quyết này. Nhiều phụ huynh đã dành thời gian nghiên cứu, phân tích rất kỹ Dự thảo Nghị quyết, đưa ra những lập luận chặt chẽ, thể hiện quan điểm chính kiến của mình nhất trí ở điểm này, không nhất trí ở điểm kia, lý do không nhất trí, đồng thời kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét cách phân loại các vùng, từ đó quy định lại mức thu học phí các bậc học ở khu vực thành thị sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bắc Kạn…

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, có tinh thần xây dựng của đại đa số người dân, còn có một số quan điểm, bình luận trên các trang thông tin điện tử cá nhân, fanpage…chưa đúng, hiểu sai lệch vấn đề, thậm chí còn chỉ trích, bôi nhọ, xúc phạm đến hoạt động của cơ quan nhà nước trong việc tham mưu soạn thảo, xây dựng chính sách, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Hành vi này cần được chấn chỉnh kịp thời.

Tại Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chỉnh phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: "Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân" (Điểm d, Khoản 1, Điều 5- NĐ 72/2013) và "Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân"( Điểm e, Khoản 1, Điều 5- NĐ 72/2013)

Một trong những quy tắc mà người tham gia mạng xã hội cần biết và thực hiện đó là: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội” (quy định tại khoản 6, Điều 4, Chương II Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội).

Đảng, Nhà nước ta khuyến khích người dân tham gia xây dựng chính sách công nhằm bảo đảm cho chính sách ban hành đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu quản lý của Nhà nước và và nguyện vọng của người dân. Người dân có quyền nêu chính kiến của mình thông qua phân tích, nhận xét, đánh giá đối với dự thảo chính sách trên cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng chính sách do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Qua đó nâng cao trách nhiệm xã hội, phát huy ý thức về quyền và nghĩa vụ của người dân, từng bước hình thành môi trường xã hội dân chủ, tiến bộ. Tuy nhiên, việc đóng góp xây dựng chính sách phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của pháp luật Việt Nam.

Trở lại với Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức học phí theo từng khu vực, cần nhấn mạnh là: Dự thảo Nghị quyết này mới đang ở bước xin ý kiến, chưa phải đã được quyết định để triển khai thực hiện nên cơ quan soạn thảo đang rất cần có nhiều ý kiến đóng góp từ Nhân dân, nhất là những đối tượng chịu tác động của chính sách. Sau khi hoàn thành việc xin ý kiến rộng rãi trên toàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp những ý kiến đóng góp để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định cụ thể quy định việc phân vùng và mức thu học phí sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành./.

Phương Thảo

Xem thêm