Chủ động phòng, chống thiên tai

Nhằm chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, góp phần ổn định xã hội, với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục hiệu quả", UBND tỉnh ban hành phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.

Hồ chứa nước Nặm Cắt - Một công trình được đầu tư hơn 500 tỷ đồng nhằm cắt lũ hạ lưu sông Cầu đã được đưa vào hoạt động.
Hồ chứa nước Nặm Cắt - Một công trình được đầu tư hơn 500 tỷ đồng nhằm cắt lũ hạ lưu sông Cầu đã được đưa vào hoạt động.

Năm 2021, các hình thái thiên tai trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rét hại, tố lốc, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ gây thiệt hại lớn đến người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Thiên tai đã làm 04 người chết, 05 người bị thương; 2.051 ngôi nhà, 28 phòng học bị hư hỏng; 1.218ha cây trồng, 10,9ha ao nuôi thủy sản bị thiệt hại, 54 con gia súc bị chết; 05 công trình thủy lợi, 900m kênh mương bị hư hỏng, vùi lấp; nhiều tuyến đường bị sạt lở… ước thiệt hại gần 87,4 tỷ đồng.

Bước vào năm 2022, qua số liệu rà soát, toàn tỉnh có khoảng 379 điểm với 2.069 hộ dân tiềm ẩn nguy cơ cao về thiên tai, trong đó nguy cơ sạt lở đất ảnh hưởng tới 1.591 hộ; lũ quét, lũ ống 194 hộ; ngập úng 284 hộ; về mức độ nhóm hộ tiềm ẩn nguy cơ rất cao là 171 hộ; nguy cơ cao là 881 hộ; trung bình là 1.017 hộ.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thường diễn biến bất thường, cực đoan; mưa, lũ, lốc tố đã xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật. Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, UBND tỉnh ban hành Phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, với nhiều nhóm giải pháp. Cụ thể như kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an ứng phó, khắc phục cùng người dân địa phương. Nâng cao khả năng dự phòng, mức độ chính xác cảnh báo, dự báo thiên tai, đưa ra hệ thống xử lý kịp thời; kiểm tra, rà soát tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, hồ chứa nước, công trình di dân tái định cư tại những khu vực sạt lở, công trình kè chống xói lở bờ sông suối báo cáo UBND tỉnh có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Đồng thời, các đơn vị, địa phương kiểm kê nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai; tiến hành rà soát lại nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy nhanh các hoạt động thu, sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai đảm bảo thiết thực, hiệu quả; thống kê các vị trí thường xuyên ngập lụt, đồng thời có biện pháp ứng phó kịp thời khi có mưa, lũ xảy ra.

Cùng với đó, tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn với nhiều giả thiết tình huống. Hướng dựa vào những hình thái thiên tai thường xảy ra trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh, đặt ra một số tình huống giả định như lốc, sét, mưa đá, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ… để đưa ra biện pháp ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế như di chuyển người, tài sản tới nơi an toàn, không để người dân bị đói, rét, không có nhà ở; cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích; sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương; hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán.

Mới đây, tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thành phố cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình trạng san lấp, đổ thải trái phép, thiếu quy hoạch; đồng thời tổ chức nạo vét, san gạt những điểm đã và đang có nguy cơ sạt lở ở khu dân cư, trên tuyến đường giao thông.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn hồ, đập trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành phương án ứng phó với sự cố vỡ hồ, đập. Đồng thời, sửa chữa hoàn thành 05 công trình hồ chứa với tổng mức đầu tư 52,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng; sử dụng các nguồn ngân sách được cấp xây dựng 5.340m kè bảo vệ bờ sông, khu dân cư, công trình hạ tầng trên hệ thống sông suối của tỉnh với tổng mức đầu tư 119,1 tỷ đồng.

Đồng chí Hà Kim Oanh- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm qua đã được các ngành, địa phương và Nhân dân thực hiện rất hiệu quả, hạn chế được thiệt hại ở mức thấp. Bước vào năm 2022, trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng ứng phó, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn như các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã tuy đã được thành lập nhưng chưa được đào tạo nâng cao năng lực và các kỹ năng cơ bản trong sơ cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn; thiếu các trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu; công tác di dân vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét mới chỉ thực hiện khu vực có nguy cơ cao hoặc khi đã xảy ra hiện tượng sạt lở; một số dự án tiến độ thực hiện còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách. Mức hỗ trợ di dân theo hình thức xen ghép vùng đặc biệt khó khăn, miền núi từ nguồn Trung ương là rất thấp, chưa đảm bảo hỗ trợ người dân ổn định sau khi di dời đến nơi ở mới; nguồn kinh phí cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một số vị trí sạt lở nguy hiểm cấp bách cũng chưa có nguồn kinh phí để khắc phục.

Mùa mưa bão đã đến, công tác chuẩn bị ứng phó đã được triển khai nhưng thiên tai thời tiết diễn biến khó lường, đòi hỏi cả cộng động cần đề cao cảnh giác, chủ động phòng, chống thiên tai ở mức cao nhất./.

Phan Quý

Xem thêm