Quan tâm, hỗ trợ trẻ em khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Quan tâm, chăm sóc trẻ em nói chung và đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm của toàn xã hội nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện đối với mọi trẻ em. Bằng sự huy động của nhiều nguồn lực, nhiều trẻ em khó khăn của tỉnh ta đã được quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện để các em có cơ hội đến trường học tập, vui chơi, giảm bớt thiếu thốn, thiệt thòi..

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích tốt trong học tập của huyện Pác Nặm được nhận học bổng của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam mỗi suất trị giá 1 triệu đồng
Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích tốt trong học tập của huyện Pác Nặm nhận học bổng của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.

Tháng 3/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam triển khai Chương trình “Gói mì hạnh phúc”. Đây là chương trình rất có ý nghĩa mang đến cho học sinh vùng cao món quà thiết thực, bổ sung vào bữa ăn hằng ngày của các em. Tổng số học sinh được hỗ trợ lần này là 1.134 em, thuộc các trường học của huyện Pác Nặm, gồm: Trường Mầm non An Thắng; Trường Tiểu học và THCS An Thắng; Trường Tiểu học Bằng Thành I; Trường PTDT Bán trú THCS Bằng Thành và Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Chương trình hỗ trợ 1.710 thùng mì tôm và mì phở, tương ứng với 51.300 gói mì. Mỗi học sinh được hỗ trợ 45 gói mì tôm hoặc mì phở. Hiện nay các trường đã tiếp nhận và tiếp tục triển khai trao toàn bộ số quà nói trên tới học sinh trong diện được nhận hỗ trợ.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và nhà tài trợ còn trao 30 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, thành tích học tập tốt, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng và 100 suất dụng cụ học tập cho học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng tại 02 huyện Chợ Mới và Pác Nặm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 78.468 trẻ em, chiếm 25% dân số, trong đó có 70.756 em là người dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 1.231 em có hoàn cảnh đặc biệt và 13.191 em sống trong gia đình hộ nghèo. Đây là những đối tượng trẻ em đặc biệt cần sự quan tâm của xã hội.

Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác trẻ em, trong đó có Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em Bắc Kạn giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 1,2% vào năm 2025 và dưới 1% vào năm 2030; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.

Hiện nay, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng tại cộng đồng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ; có 37 trẻ đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh miễn phí theo quy định; trẻ em bị khuyết tật được quan tâm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 60 trẻ em khuyết tật vận động được phẫu thuật tại Bệnh viện Chỉnh hình Thái Nguyên; 20 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật tại Bệnh viện Tim Hà Nội; 19 em bị sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; 22 em có bệnh về mắt được phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Hà Nội…

Trong thời gian qua, nhiều chương trình dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai trên địa bàn tỉnh như: “Gói dinh dưỡng, gói đồ ấm” cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn huyện Pác Nặm, Ba Bể và Ngân Sơn; “Quỹ Sữa vươn cao Việt Nam” cho 5 trường học thuộc xã đặc biệt khó khăn các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể và Ngân Sơn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức VinaCapital Foundation triển khai chương trình hỗ trợ khám sàng lọc và mổ tim cho trẻ em; phối hợp với tổ chức Kinderhilfe-Cộng hòa liên bang Đức thực hiện chương trình hỗ trợ cho trẻ em tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh.

Chương trình "Điều ước cho em"; “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường vì em hiếu học”; phong trào “Áo ấm mùa đông”; “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, “Xe đạp giúp bạn đến trường”, “Ấm áp mùa đông”, “Vì bạn nghèo” do các ban ngành tổ chức. Vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới hằng năm, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương ưu tiên thăm hỏi, tặng quà; tổ chức các chương trình trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học tốt…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác trẻ em; thực hiện tốt việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, huy động các nguồn lực giúp đỡ có hiệu quả. Tạo điều kiện cho trẻ em, trong đó có trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các quyền lợi để phát triển toàn diện./.

Phương Thảo

Xem thêm