Ngân Sơn chú trọng tạo việc làm cho lao động nông thôn

Thời gian qua, huyện Ngân Sơn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn đã xuất hiện các lĩnh vực kinh doanh phi nông nghiệp, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, để giảm nghèo nhanh và bền vững, vấn đề tạo việc làm cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

Toàn huyện Ngân Sơn hiện có gần 40 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hàng trăm lao động ở địa phương
Toàn huyện Ngân Sơn hiện có gần 40 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Ngân Sơn hiện còn khoảng 10.000 lao động chưa có việc làm ổn định, thu nhập thấp, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều cao (chiếm hơn 50%). Để giải quyết việc làm cho người lao động, hằng năm UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo nhu cầu đăng ký của người lao động. Trong 5 năm trở lại đây, toàn huyện đã mở được 60 lớp đào tạo ngắn hạn với gần 2.500 lao động chủ yếu là lao động khu vực nông thôn, phần lớn lao động sau khi được đào tạo đã vận dụng kiến thức, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm tại chỗ, tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế mang lại có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, huyện Ngân Sơn đã hỗ trợ, tư vấn, cho vay vốn để người lao động chủ động tổ chức sản xuất bằng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đến nay tổng dư nợ người dân vay vốn phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đạt gần 500 tỷ đồng. Toàn huyện có gần 40 cơ sở thu mua gỗ rừng trồng và chế biến lâm sản, trung bình mỗi cơ sở tạo việc làm cho từ 5 đến 10 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, việc đầu tư xây dựng các xưởng sản xuất, sơ chế gỗ rừng trồng đang tạo ra những cơ hội mới, tăng việc làm, tăng thu nhập cho không ít lao động nông thôn và đóng góp cho ngân sách, tăng giá trị kinh tế cho cây gỗ rừng trồng.

Đồng chí Long Minh Giám- Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực đánh giá: Sau khi sáp nhập hai xã Hương Nê và Lãng Ngâm, nhiều người lao động không có việc làm ổn định, thu nhập thấp nên tỷ lệ hộ nghèo tăng. Hết năm 2021, sau khi rà soát toàn xã có gần 630 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 63%, tăng hơn 20% so với giai đoạn 2015 - 2020. Trong năm 2022, Hiệp Lực phấn đấu giảm 4% hộ nghèo. Để thực hiện được chỉ tiêu này, xã đã đặt ra các giải pháp như: Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo việc làm cho người lao động để có thu nhập ổn định; phối hợp với các đơn vị chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động…

Hiện, trên địa bàn huyện Ngân Sơn đang hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Sau khi được tư vấn, tuyên truyền, người dân trong các tổ chức kinh tế này đã biết chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp tự phát sang sản xuất có tổ chức, tích cực quảng bá sản phẩm, tạo ra chuỗi sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.

Để người lao động có việc làm ổn định, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp triển khai nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Liên kết với các trường học tuyển học viên tham gia các khoá học về cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo mong muốn của người lao động. Qua đánh giá, 70% lao động sau đào tạo nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, UBND huyện Ngân Sơn tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền đến toàn thể Nhân dân về việc đào tạo nghề, tư vấn, định hướng nghiệp cho người lao động trong độ tuổi. Chủ động liên hệ, làm việc với các công ty, doanh nghiệp theo giới thiệu từ các cơ quan chức năng của tỉnh về nhu cầu tuyển dụng; bảo đảm các chính sách hỗ trợ cho người lao động để tạo việc làm ổn định. Các xã, thị trấn triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, góp phần tạo việc làm ổn định giúp người lao động có thu nhập để giảm nghèo bền vững./.

Đình Văn

Xem thêm