Hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo

Sáng 21/4, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Phạm Bình Minh- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG dự và phát biểu.

Dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Phạm Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Từ Đông Điền- Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.
Đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo về: Công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã thông qua thực hiện 03 chương trình MTQG, gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới. Để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng nghị định quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, với các nội dung chủ yếu như: Phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Đẩy mạnh việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG thông qua việc sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án để đầu tư thực hiện công trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu, nội dung và được thực hiện trên cùng một địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Áp dụng cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông trong tổ chức, thực hiện các chương trình MTQG…

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn. Đến nay, các tỉnh đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG; chủ động rà soát các dự án, tiểu dự án, điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương… để kịp thời triển khai trong thời gian sớm nhất. Các địa phương kiến nghị Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn, các bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn, tiêu chí cụ thể trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng, miền.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành và các địa phương trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đồng chí đề nghị các địa phương nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp chính quyền và hệ thống chính trị về các chương trình MTQG; đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số để làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân để thực hiện các chương trình; chú trọng xây dựng tinh thần ý chí khát vọng tự lực vươn lên của người dân, nhân rộng những tấm gương điển hình, những mô hình tốt, cách làm hay trong lĩnh vực giảm nghèo…/.

H.V

Xem thêm