Hiệu quả từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH

Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể có điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi, qua đó giúp các hộ gia đình tăng nguồn thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Nhờ vốn vay của Ngân hàng CSXH, hộ bà Hoàng Thị Minh, xã Đồng Phúc đã có điều kiện phát triển chăn nuôi.
Nhờ vốn vay của Ngân hàng CSXH, hộ bà Hoàng Thị Minh, xã Đồng Phúc có điều kiện phát triển chăn nuôi.

Theo đó, trong những năm qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Ba Bể đã có điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi, trở thành tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gia đình bà Hoàng Thị Minh, thôn Nà Thẩu, xã Đồng Phúc được vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để phát triển kinh tế thông qua tổ chức Hội CCB xã. Với số vốn được vay 70 triệu đồng, bà đã đầu tư vào chăn nuôi trâu, thả cá và trồng rừng. Sau nhiều năm đến nay, gia đình bà đã có 6 con trâu, hơn 2.000m2 ao cá, hơn 1ha rừng, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đến nay mô hình kinh tế của gia đình bà đã trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Bà Hoàng Thị Minh chia sẻ: Trước khi được vay vốn của Ngân hàng CSXH là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình tôi, muốn làm ăn cái gì cũng khó do thiếu vốn đầu tư. Sau khi được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, gia đình tôi có điều kiện để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi từ đó giúp gia đình có thu nhập ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm máy móc phục vụ cho sản xuất, cuộc sống ổn định hơn trước.

Những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, phát triển thương mại, dịch vụ. Nhìn chung các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, nhờ đó đời sống kinh tế của người dân được nâng lên rõ rệt. Được biết, hết quý I/2022, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể là trên 323 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 1,8%. Tổng dư nợ ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội là 313 tỷ 773 triệu đồng, chiếm 97,1% tổng dư nợ. 03 tháng đầu năm nay trên địa bàn huyện có tổng số 563 lượt hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn.

Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách được triển khai có hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh; niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại 14 xã, thị trấn. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định. Nhờ đó chất lượng tín dụng và hoạt động của tổ TK&VV ngày càng được nâng lên, hết quý I/2022 toàn huyện có 154 tổ TK&VV xếp loại tốt, chiếm 67,1%; 56 tổ xếp loại khá, chiếm 24,24%.

Ông Quản Thanh Tùng- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể cho biết: Để nguồn vốn thực sự trở thành người bạn đồng hành giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể đã chỉ đạo cán bộ tín dụng luôn bám sát cơ sở, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các đoàn thể để thẩm định, giải ngân cho vay đúng đối tượng. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như: Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm…, giúp cho hàng nghìn hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững./.

H.T

Xem thêm