Doanh nghiệp, người lao động chủ động thích ứng với trạng thái bình thường mới

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi về phương án sản xuất để vừa mở cửa tăng cường sản xuất, kinh doanh vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thích ứng an toàn trong tình hình mới và đặt ra mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch.

Sản xuất thìa, dĩa gỗ tại Công ty TNHH Kẻ Gỗ, KCN Thanh Bình (Chợ Mới).
Sản xuất thìa, dĩa gỗ tại Công ty TNHH Kẻ Gỗ, KCN Thanh Bình (Chợ Mới).

Có mặt tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới) chúng tôi nhận thấy hiện có gần 10 công ty, doanh nghiệp với khoảng 1.000 lao động đang tích cực sản xuất, nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa cho đối tác theo hợp đồng đã ký kết. Ông Nông Đình Huân- Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất trong cả nước thì tại các công ty, doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Thanh Bình cũng bị ảnh hưởng. Một phần hàng hóa sản xuất tại đây bị đình trệ, nhiều đơn hàng không thể xuất khẩu theo kế hoạch do nhiều nơi phải phong tỏa, cách ly y tế để phòng, chống dịch dẫn đến thiệt hại về kinh tế.

Để thích ứng an toàn trong tình hình mới, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Đối với người lao động phải được tiêm chủng các mũi vắc xin, khi đến làm việc được tuyên truyền tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp cần linh hoạt, triển khai nhiều giải pháp để thích ứng trong tình hình mới. Nhìn chung các công ty, doanh nghiệp tại đây không bị động, lúng túng mà chủ động thay đổi kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng đơn vị nhằm bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh hoạt động có hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Govina (Khu Công nghiệp Thanh Bình) cho biết: Công ty hợp đồng với đối tác chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ gỗ sang thị trường Mỹ. Để các đơn hàng không bị gián đoạn và bảo đảm chất lượng tốt nhất, trong thời gian qua, Công ty đã chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, duy trì số lượng công nhân sản xuất, vận hành, vận chuyển tại các bộ phận. Bởi vậy, năm 2021 Công ty vẫn đạt doanh thu hơn 200 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã xuất khẩu hơn 2.400m3 gỗ thành phẩm, hiện Công ty đang duy trì khoảng 250 lao động, bình quân thu nhập của người lao động đạt từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Tại Công ty TNHH Kẻ Gỗ, chúng tôi ghi nhận gần 100 công nhân sau khi thực hiện khử trùng, sát khuẩn, đo thân nhiệt và các biện pháp bảo hộ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cổng. Anh Lường Văn Tới là lao động đã nhiều năm làm việc tại đây cho biết: Thời gian qua, lãnh đạo Công ty đã tuyên truyền đến toàn thể công nhân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nếu vi phạm sẽ bị phạt bằng tiền, nên ai cũng nghiêm túc tuân thủ thực hiện. Các đơn hàng của đối tác đều được hoàn thành theo kế hoạch, lương công nhân cũng được trả ổn định hằng tháng, bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công nhân còn được thưởng khi làm tốt, thêm thu nhập khi tăng ca, được đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, khi ốm đau đều có chế độ.

Công nhân Công ty Cổ phần đầu tư Govina kiểm tra chất lượng gỗ ván ép trước khi đóng gói để xuất khẩu.
Công nhân Công ty Cổ phần đầu tư Govina kiểm tra chất lượng gỗ ván ép trước khi đóng gói để xuất khẩu.

Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng lợi thế, cơ hội phù hợp với xu thế và sáng tạo, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số... Đồng thời, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và khả năng tương tác, phối hợp giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, bảo đảm chống chịu được trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Nhìn chung các công ty, doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Thanh Bình đã linh hoạt và thích ứng an toàn trong tình hình mới. Trong quý I, các doanh nghiệp đã chế biến, xuất khẩu hơn 12.500m3 gỗ thành phẩm, giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 7,4 triệu USD, bình quân thu nhập của người lao động đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian gần đây có rất nhiều doanh nghiệp đến liên hệ đặt nhà máy để sản xuất nhưng quỹ đất tại Khu Công nghiệp hiện nay không còn, không đáp ứng được các nhà đầu tư. Rất mong tỉnh sớm có giải pháp mở rộng Khu Công nghiệp hoặc thu hồi mặt bằng của những doanh nghiệp đã phá sản, không còn hoạt động để nhường chỗ cho các nhà đầu tư tiềm năng khác.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Thanh Bình là thường xuyên, liên tục, tuy nhiên số lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được. Nếu như có thêm các nhà đầu tư khác đến đặt nhà máy sản xuất, chế biến thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ rất lớn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là người lao động ở khu vực nông thôn về hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.

Văn Lạ

Xem thêm