CHUYỂN ĐỔI SỐ, THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CHO BẮC KẠN - BÀI 3

Chuyển đổi số là việc mới nên khó khăn, lúng túng là không tránh khỏi. Tuy nhiên, chuyển đổi số là tiến trình phát triển không thể cản lại và không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. Vượt qua thách thức, quyết tâm chuyển đổi số thành công chính là giải pháp để Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững.

 

Nhìn lại quá trình thí điểm chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông và tham khảo cách làm đã có kết quả của các tỉnh khác, có thể rút ra một số bài học trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh ở tỉnh Bắc Kạn như sau:

Thứ nhất, khẳng định chuyển đổi số là có hiệu quả và chắc chắn mang lại những chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống xã hội ở cơ sở. Tại xã Vi Hương, những thay đổi nhìn thấy rõ nhất là sự chuyển biến tích cực trong hoạt động công vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính; gia tăng lượng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập của người lao động sau khi có sự hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản lý điều hành và công nghệ.

Thứ hai, chuyển đổi số tuy mới nhưng Việt Nam có quyết tâm cao, có sự vào cuộc từ Đảng, Chính phủ đến các Bộ, ngành. Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30 tháng 11 năm 2021, nhấn mạnh: “ Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp, nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó.”

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã nêu quyết tâm cao và xây dựng đường hướng rõ ràng để thực hiện. Ngày 03/8/2021, Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Chỉ thị giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát để ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn lực tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Giao Ban cán sự UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, số hóa dữ liệu; nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số…

Tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn diễn ra vào tháng 11/2021, đồng chí Nguyễn Đăng Bình- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số kết luận và chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt hoạt động chuyển đổi số, từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2021, Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo mỗi huyện lựa chọn ít nhất 01 xã thực hiện Chuyển đổi số.

Thứ ba, những khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số cấp xã mà tỉnh Bắc Kạn gặp phải vẫn có thể tháo gỡ, vượt qua nếu có quyết tâm cao và hướng đi phù hợp. Những việc mới và khó như nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục tại cấp xã,  Bắc Kạn có thể học tập kinh nghiệm của các xã đã triển khai thành công. Ví dụ như xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình là địa phương triển khai chuyển đổi số xây dựng xã thông minh trước xã Vi Hương 8 tháng (từ tháng 4/2020). Tính đến hết ngày 15/6/2021, toàn xã Yên Hòa đã cài đặt được khoảng hơn 1.500 app Medici trên điện thoại thông minh; thành lập nhóm cộng đồng mạng “Yên Hòa hỏi bác sĩ trả lời” với hơn 1.500 thành viên, thực hiện tư vấn được gần 2.500 lượt tư vấn và được người dân đánh giá cao. Sau gần 1 năm triển khai, so sánh với chi phí khám thông thường đã tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng (chi phí khám bệnh, chi phí đi lại...).

Trong quá trình hỗ trợ các địa phương chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên rút kinh nghiệm và kịp thời chỉ đạo các tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Trong đó lưu ý: Việc triển khai chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm để thực hiện. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện sâu, rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi số ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào để thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân tạo điều kiện triển khai chuyển đổi số được thuận lợi.

Trong quá trình triển khai thực hiện, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo địa phương, cán bộ, công chức phải có sự quyết tâm cao, vào cuộc tích cực; vận dụng sáng tạo các nội dung vào điều kiện đặc thù của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, từng bộ phận. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Phải luôn có sự thống nhất, trao đổi nhanh chóng giữa các cấp, các bộ phận, các công việc thông qua sự hỗ trợ của công nghệ, các phương thức thông tin. Khi đạt được sự đồng thuận là bắt đầu triển khai ngay. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được một đội ngũ, một lực lượng tham gia tích cực để triển khai các nhiệm vụ. Một số xã triển khai thành công trong chuyển đổi số đã chọn lực lượng chủ lực là Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Hội Phụ nữ là những người sát với đơn vị, có thể truyền tải trao đổi và tuyên truyền tốt và là người lớn tuổi nên quá trình đi tuyên truyền, vận động sẽ thuận lợi, còn Đoàn Thanh niên là lực lượng nhanh nhạy, tiếp cận công nghệ thông tin tốt sẽ giúp triển khai nhanh hơn. Trong quá trình triển khai cần phải phát huy được tính chủ động trong việc tìm những cái mới, cái mà người dân và địa phương còn đang khó khăn, cần giải quyết để đề xuất tìm và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp.

Chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục, kiên trì với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm, tin rằng tỉnh Bắc Kạn sẽ phát huy tốt hơn ý chí tự lực tự cường, có thêm nhiều thành công trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương./.

Hải Tiến - Ngân Huyền - Nhân Huấn

Xem thêm