Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014

Sáng 14/01, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014. Đồng chí Phan Chí Hiếu- Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Phạm Duy Hưng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.

Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm” phục vụ. Các văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Các phòng công chứng được chuyển đổi thành văn phòng công chứng hoặc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính cũng đã làm giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và tổ chức Hội ở các địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương, bước đầu nâng cao vai trò tự quản nghề nghiệp, chia sẻ, hỗ trợ công việc với cơ quan quản lý nhà nước.

Việc công chứng Việt Nam đăng cai tổ chức thành công một số sự kiện của Liên minh Công chứng quốc tế (UINL), chủ động, tích cực tham gia và hoàn thành tốt các nghĩa vụ của UINL góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của công chứng nước ta với bạn bè quốc tế.

Các báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận tại hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, xác định nguyên nhân và thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập. Qua đó, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị thống nhất đề ra phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, gồm: Về trước mắt, tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công chứng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên; tăng cường kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng; nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.

Về lâu dài, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng và liên quan đến công chứng; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chứng viên; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động công chứng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.

Đồng thời, hội nghị cũng đề xuất một số nội dung cụ thể, gồm: Đưa dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 - 2024 với một số nội dung lớn cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Đề nghị sửa đổi các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc đổi mới và phát triển nghề công chứng.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Công chứng, thống nhất quan điểm xác định đúng vị trí, vai trò của hoạt động công chứng trong việc góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch. Chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, thông suốt, thực chất, có hiệu quả Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng trong phạm vi cả nước…/.

Hoàng Vũ

Xem thêm