GIAI ĐOẠN 2 CHUYỂN ĐỔI SỐ CẤP XÃ Ở VI HƯƠNG - Bài 2

Mặc dù đạt được một số kết quả từ giai đoạn 1 thử nghiệm chuyển đổi số tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông nhưng thời gian qua, việc chuyển đổi số ở Bắc Kạn có biểu hiện chậm lại so với một số tỉnh lân cận.

 

Ảnh: Đoàn công tác của Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn tư vấn, hướng dẫn nhiệm vụ chuyển đổi số cho cán bộ, công chức xã Vi Hương.

Sau khi công bố kết quả giai đoạn 1, thí điểm chuyển đổi số xã Vi Hương, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì, phối hợp với huyện Bạch Thông và xã Vi Hương xác định nhiệm vụ cho giai đoạn 2, theo đó:

Ngày 20/4/2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm việc với UBND huyện Bạch Thông, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Vi Hương để đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, việc thực hiện duy trì xây dựng chuyển đổi số giai đoạn 1 và đề ra phương hướng triển khai giai đoạn 2 trên cả 3 trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Thúc đẩy, nâng cao hiệu quả việc sử dụng phần mềm dùng chung, phần mềm Một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, yêu cầu cán bộ, công chức, đảng viên trong xã gương mẫu đi đầu, nghiêm túc thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 03/CT-UBND Ngày 21/5/2020, của UBND tỉnh về đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từng bước hình thành “Công dân điện tử”. Phát huy hiệu quả các hệ thống và thiết bị đã được triển khai như: Agriconect, phần mềm quản lý bán hàng, tem truy xuất nguồn gốc... Xây dựng quy chế hoạt động Ban biên tập trang TTĐT xã, khai thác hiệu quả, cập nhật tin, bài thường xuyên trên HT truyền thanh, trang thông tin điện tử của xã. Huy động, thúc đẩy lực lượng Đoàn thanh niên hỗ trợ hướng dẫn nhân dân sử dụng các ứng dụng zalo, facebook… Triển khai ứng dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa qua ứng dụng Medici đến người dân; lập Nhóm trên Facebook “Vi Hương hỏi - Bác sỹ trả lời”. Triển khai AAP phản ánh hiện trường để người dân phản ánh các vấn đề về kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự trực tiếp cho lãnh đạo xã; tăng hiệu quả quản lý, điều hành. Chính quyền xã quyết tâm chuyển đổi số, làm việc trên môi trường điện tử; có lộ trình, thường xuyên trao đổi thông tin để giải quyết mọi vấn đề, xây dựng điển hình để triển khai nhân rộng mô hình xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để hợp tác xã Thiên An chuyển đổi số trong tất cả các khâu từ sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và mở rộng sản xuất khi thị trường mở rộng.

Tuy nhiên, sau 8 tháng chuyển giao cho cấp ủy, chính quyền xã chủ động điều hành, Sở Thông tin và Truyền thông đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ; một số nội dung, nhiệm vụ của giai đoạn 2 thí điểm chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh ở Vi Hương không đạt được yêu cầu đề ra:

Đối với nhiệm vụ xây dựng Chính quyền số, vẫn còn tình trạng lãnh đạo xã chưa quyết tâm vượt khó để ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Một số chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh của xã chưa được triển khai cụ thể. Một số mục tiêu dễ thực hiện như: Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm vẫn chưa đi vào nền nếp. AAP phản ánh hiện trường đã được triển khai nhưng việc duy trì không thường xuyên cũng ít nhận được phản ánh từ người dân.

Ngoài ra, các nguồn lực, cơ sở vật chất đầu tư cho việc chuyển đổi số lĩnh vực y tế, giáo dục cũng chưa phát huy được hiệu quả. Sau khi được lắp đặt thiết bị, kết nối và chuyển giao, ứng dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa qua ứng dụng Medici,người dân chưa khai thác được do thiếu tư vấn, hỗ trợ từ xã; ý tưởng kết nối người dân với chuyên gia trong lĩnh vực y tế qua ứng dụng mạng xã hội vẫn chưa được khởi động. Thậm chí, hệ thống Telehealth được hỗ trợ hiện nay đã cho địa phương, cơ quan khác mượn sử dụng. Hoạt động dạy và học từ xa chưa được các nhà trường khởi động dù hệ thống đường truyền, cơ sở dữ liệu và các nguồn lực hỗ trợ từ xa đã sẵn sàng.

Hoạt động kinh tế số cũng chưa phát triển so với kỳ vọng. Các cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ về công nghệ chưa có thêm các phương án sản xuất, phân phối nhằm đảm bảo sự chủ động về nguồn hàng, ngành hàng để gia nhập được các thị trường lớn hơn.

Hoạt động chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn so với các tỉnh/thành phố khác trong khu vực còn ở mức độ thấp (năm 2020 xếp hạng 59/63 tỉnh/thành phố theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có sự nhìn nhận, phân tích sâu về nguyên nhân, tìm giải pháp để nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh ở tỉnh Bắc Kạn mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tỉnh bứt phá đi lên.

(Còn tiếp)

Hải Tiến - Ngân Huyền - Nhân Huấn

Xem thêm