Ba Bể nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thời gian qua, huyện Ba Bể đã chú trọng công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề, dạy nghề cho người lao động. Qua đó góp phần xây dựng lực lượng lao động nông thôn đã qua đào tạo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
 

Anh Nông Văn Chương, học viên lớp hàn điện đã có nghề nghiệp ổn định.
Anh Nông Văn Chương, sau khi học lớp hàn điện đã có nghề nghiệp ổn định.

Năm 2020, anh Nông Văn Chương ở thôn Nà Giảo, xã Yến Dương đăng ký tham gia lớp học nghề hàn điện do Trung tâm GDNN - GDTX huyện Ba Bể tổ chức. Anh Chương cho biết: "Tham gia lớp học do huyện tổ chức, tôi được giáo viên có trình độ chuyên môn cao hướng dẫn, có giáo trình, tài liệu học cụ thể, thường xuyên được thực hành nên nâng cao được trình độ tay nghề... Đặc biệt, chúng tôi đã hiểu rõ được những nguyên tắc, yêu cầu cần tuân thủ trong quá trình làm việc, tránh nguy cơ tai nạn lao động".

Sau khóa học, anh Chương đã mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công, chuyên cung cấp các dịch vụ lắp đặt, hàn gắn, sửa chữa chi tiết máy móc, vật liệu bằng sắt thép, gia công khung nhôm, cửa kính phục vụ nhu cầu của bà con địa phương. Hiện nay, 3 lao động thường xuyên tại xưởng có thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Hoàng Văn Duẩn- Phó Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: Những năm qua, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đang trong độ tuổi lao động tham gia học nghề. Bà con đã chủ động đăng ký các lớp như: Đan lát thủ công mỹ nghệ, trồng lúa đặc sản, nghề làm miến dong... mỗi lớp từ 30 – 35 học viên. Có kiến thức, kỹ năng nghề, đa số người học đã có việc làm ổn định, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, hằng năm, huyện Ba Bể đều xây dựng các kế hoạch về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung, đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo nghề. Các danh mục nghề đào tạo, các nghề nông nghiệp phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Hằng năm đánh giá tính thực tiễn của chương trình dạy nghề, trên cơ sở đó có những đề xuất điều chỉnh chương trình cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động.

Từ năm 2010 đến năm 2020, thông qua thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Ba Bể đã tổ chức dạy nghề được 89 lớp với 2.767 lao động tham gia, tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Gồm các ngành nghề như: Sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất phân vi sinh, kỹ thuật xây dựng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nấu ăn… Học viên tham gia là các đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, lao động nông thôn, hộ nghèo… Huyện cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, cung cấp thiết bị dạy nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu về dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Phát huy những kết quả tích cực của Đề án, năm 2021, Trung tâm GDNN – GDTX huyện đã khảo sát, đào tạo các nghề theo nhu cầu cho 54 học viên. Sau đào tạo nghề, đa số học viên đã áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất có hiệu quả; nhiều hộ từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, sản lượng ít, năng suất thấp đã vươn lên thoát nghèo nhờ việc kết hợp chăn nuôi theo mô hình VAC, mở rộng trang trại hoặc thay đổi phương thức chăn nuôi.

Đồng chí Hoàng Văn Hữu- Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Bể cho biết: Việc đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo sẽ đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, từ đó nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng như khai thác được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ nay đến năm 2030, huyện Ba Bể đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 70% (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm 20%). Phấn đấu đến cuối năm 2030, công nhân lao động tại các xã, thị trấn đã qua đào tạo nghề đạt 85%. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động./.

Thu Hường

Xem thêm