Thiếu nước sinh hoạt ở các xã vùng cao huyện Bạch Thông

Nhiều năm nay, mỗi khi mùa khô đến, người dân các xã vùng cao của huyện Bạch Thông như: Cao Sơn, Vũ Muộn, Sỹ Bình lại vật lộn với cảnh thiếu nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất.

Dù có hai téc dự trữ nhưng mùa khô năm nay, gia đình anh Hoàng Văn Hùng, thôn Thôm Khoan, xã Cao Sơn vẫn thiếu nước sinh hoạt.
Dù có hai téc dự trữ nhưng mùa khô năm nay, gia đình anh Hoàng Văn Hùng, thôn Thôm Khoan, xã Cao Sơn vẫn thiếu nước sinh hoạt.

Dù đã chuẩn bị sẵn hai téc nước, thế nhưng gia đình anh Hoàng Văn Hùng ở thôn Thôm Khoan, xã Cao Sơn vẫn chật vật vì thiếu nước sinh hoạt do mấy tháng nay trời không mưa. Để tiết kiệm, gia đình anh phải sử dụng dè xẻn và tận dụng nước quay vòng, nước vo gạo xong dùng rửa rau, tưới cây…  "Nhiều năm nay, mỗi khi mùa khô đến, gia đình tôi và nhiều hộ khác trong xã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nhiều hộ không có téc nước dự trữ thì chật vật hơn, thường xuyên phải đi xin hoặc gánh nước từ các khe, suối"- anh Hùng cho biết.

Chung tình trạng đó, nhiều hộ dân ở các xã Cao Sơn, Vũ Muộn cũng khan hiếm nước khi mùa khô đến. Nước sản xuất không có, người dân hầu như không trồng cấy được gì vào vụ đông. Đối với cây củ kiệu đưa vào trồng 2 năm nay, do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa nên năng suất nhiều diện tích đạt thấp. Chị Mông Thị Bàn ở thôn Lủng Xiên, xã Vũ Muộn chia sẻ: "Về mùa đông, nhiệt độ ở Vũ Muộn xuống rất thấp, cộng với tình trạng thiếu nước sản xuất nên bà con muốn mở rộng diện tích cây trồng vụ đông cũng khó".

Điểm trường Nặm Lẩu, xã Sỹ Bình cũng rơi vào tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, khiến thầy và trò ở đây gặp không ít khó khăn. Các thầy cô giáo phải dùng nhờ đường nước của bộ đội đóng quân tại đây, tuy nhiên lượng nước cũng rất ít. Thầy giáo Đinh Ngọc Hạnh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Sỹ Bình cho biết: "Từ tháng 11 trở đi, khi mùa mưa kết thúc cũng là thời điểm nguồn nước sinh hoạt tại điểm trường Nặm Lẩu bắt đầu thiếu. Mặc dù đã được sự hỗ trợ, chia sẻ của đơn vị bộ đội nhưng nguồn nước về nhỏ giọt nên việc sinh hoạt, vệ sinh của thầy trò nơi đây gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để sớm khắc phục tình trạng trên".

Tình trạng khan hiếm nước ở các xã phía Bắc của huyện Bạch Thông đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt của người dân. Mặc dù trên địa bàn có nhiều công trình nước sạch được đầu tư xây dựng, nhưng thời điểm mùa khô vẫn không đủ nước để sinh hoạt. 

 Đồng chí Dương Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: "Do là xã vùng cao với địa hình nhiều núi đá nên về mùa khô, Cao Sơn thường xuyên thiếu nước, đặc biệt là những thôn vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, bao gồm cả các trường học, trạm y tế và trụ sở UBND xã. Ngay cả diện tích trồng cây nguyên liệu thuốc lá, để đủ nước tưới người dân phải chặn các dòng suối mới lấy được nước. Mặc dù trên địa bàn xã có một số công trình nước sinh hoạt tập trung nhưng được xây dựng từ lâu nên không mấy hiệu quả, trong khi đó ý thức sử dụng nước sinh hoạt của một bộ phận người dân chưa cao. Giai đoạn 2022 - 2025, Cao Sơn sẽ được đầu tư một số công trình nước sinh hoạt tập trung góp phần khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Trước mắt, xã sẽ tuyên truyền, vận động người dân cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm. Cùng với đó là nâng cao ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn góp phần giữ nước nguồn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất"./.

X.N

Xem thêm