Chú trọng tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn trong toàn tỉnh. Ý thức và hành động bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp của Nhân dân tại các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.  

Lực lượng Đoàn Thanh niên huyện Na Rì ra quân thu gom rác thải, vệ sinh môi trường các khu vực chợ nông thôn.
Đoàn viên, thanh niên huyện Na Rì ra quân thu gom rác thải, vệ sinh môi trường các khu vực chợ nông thôn.

Tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm trong xây dựng nông thông mới (NTM) trên địa bàn tỉnh thời gian qua được các sở, ban, ngành và địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ thông qua việc chủ động lồng ghép các nội dung của chương trình với công tác chuyên môn của từng ngành, lĩnh vực có liên quan. Theo đó, các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định các chỉ tiêu như: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; chỉ tiêu "Mai táng" phù hợp với quy định và theo quy hoạch; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; hướng dẫn việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ xử lý rác thải.

Đến nay, trên toàn tỉnh, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%, tỷ lệ người dân sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT đạt 38%. Đến ngày 30/6/2021 có 25 xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm. Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường quản lý, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở các xã đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hoá được triển khai và duy trì ở nhiều khu dân cư. Các xã đã triển khai đến từng hộ gia đình thực hiện cải tạo, chỉnh trang cảnh quan môi trường khu dân cư. Công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang cỏ dại bước đầu đã góp phần tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn ở nông thôn.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Các dự án phát triển sản xuất đã thực hiện nội dung bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt, xác nhận. Các gia trại chăn nuôi đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong chăn nuôi.

Có thể thấy, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn miền núi tỉnh Bắc Kạn. Ý thức và hành động bảo vệ môi trường của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tại các xã, thôn bản đã có bước chuyển biến tích cực. Một số hoạt động tiêu biểu về bảo vệ môi trường được hình thành. Đã có nhiều tổ thu gom rác thải, bảo vệ môi trường được thành lập đi vào hoạt động dưới sự chỉ đạo, giám sát của UBND các xã. Nhà máy xử lý rác thải ở cấp huyện được đầu tư xây dựng và được quy hoạch mở rộng để xử lý rác thải lớn vùng nông thôn lân cận. Trồng hoa, cây cảnh dọc đường giao thông, khu nhà văn hóa xã, thôn tại một số xã đã góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Diện mạo nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt cảnh quan môi trường được cải tạo xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; tạo xu hướng gắn kết giữa bảo tồn phát triển bản sắc văn hoá, môi trường với du lịch và phát triển kinh tế nông thôn. Xây dựng, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, cải tạo vườn, hàng rào, trồng cây xanh nơi công cộng đang từng bước tạo dựng cảnh quan môi trường mới cho nông thôn Bắc Kạn. Thông qua việc thực hiện tiêu chí số 17 về Môi trường và An toàn thực phẩm cũng là điều kiện để các xã thay đổi việc triển khai công tác môi trường thực tế tại địa phương mình, bắt đầu từ xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết triệt để vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định, đó là: Nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư nông thôn về bảo vệ môi trường; thu gom, phân loại chất thải theo quy định còn thấp. Ý thức tự giác bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen và nếp sống thường xuyên của người dân nông thôn. Tình trạng xả rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định vẫn diễn ra, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại nông thôn thấp...

Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Bắc Kạn Quách Đăng Quý cho biết: Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 xác định vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn là một nội dung ưu tiên, góp phần thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, vấn đề môi trường được đặt là trọng tâm, trở thành một tiêu chí riêng trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Chương trình sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, các điểm xử lý chất thải liên xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Xây dựng mô hình cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu... tạo không gian nông thôn văn minh và sinh thái, xây dựng nông thôn thành không gian đáng sống.

Thời gian tới, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, xây dựng môi trường nông thôn. Từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân. Tập trung vận động và hỗ trợ các hộ gia đình di dời chuồng chăn nuôi gia súc ra xa nhà và ở những vị trí khác đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan. Gắn kết chặt chẽ giữa xử lý, bảo vệ, xây dựng cảnh quan môi trường với phát triển du lịch nông nghiệp và kinh tế nông thôn.../.

Q.Đ

Xem thêm