Vùng cao đổi mới nhờ làm tốt công tác dân vận cơ sở

Bài 2: Đổi thay từ công tác dân vận ở cơ sở

Công tác dân vận ở cơ sở đã được huyện Pác Nặm tăng cường, đổi mới toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền, từ đó tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Cách đây hơn 10 năm, Công Bằng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Pác Nặm, chưa có đường giao thông thuận tiện, đường lên với các thôn bản chủ yếu phải đi bộ, có thôn phải đi gần 10km, hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ, điện lưới chưa được kéo về, hệ thống trường lớp học tạm bợ, tỷ lệ hộ nghèo cao… Bên cạnh đó, thiên tai thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của Nhân dân. Những địa danh như Nặm Sai, Khên Lền, Cốc Nọt còn đọng lại trong ký ức của nhiều người dân Bắc Kạn khi trận mưa lũ gây sạt lở đã cướp đi cả chục sinh mạng của người dân thôn Khên Lền. Nhưng giờ đây, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi.

Người dân chung sức làm đường lên khu kinh tế Phja Đén.
Người dân chung sức làm đường lên khu kinh tế Phja Đén.

Đồng chí Dương Thanh Trầm- Phó Chủ tịch UBND xã Công Bằng cho biết: Xã có 9 thôn bản, 655 hộ dân với trên 3.100 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 33,26%, hộ cận nghèo 22,29%. Đây chính là những trăn trở của cấp ủy, chính quyền trong công tác giảm nghèo và là nhiệm vụ trọng tâm để quyết tâm thực hiện. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể, công tác dân vận đã được phát huy. Từ đây xuất hiện nhiều mô hình dân vận khéo, nhất là các mô hình tập thể, cá nhân ở những thôn bản vùng cao tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa...

Nghị quyết của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thực sự đi vào cuộc sống, bám sát vào tình hình thực tế của địa phương. Sự chuyển biến rõ nét thể hiện ở hầu hết các lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới lan tỏa rộng khắp và trở thành phong trào lớn ở địa phương. Phát huy những kết quả đạt được, Nghị quyết của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 tập trung vào các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh. Đây là một trong những yếu tố giúp xã Công Bằng chuyển mình vươn lên, đặc biệt trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.


Vai trò, vị trí của công tác dân vận trong tình hình mới ngày càng được quan tâm về chất lượng, có chiều sâu, đặc biệt là công tác tham mưu cho cấp ủy đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, nhằm phát huy vai trò thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, tập trung hướng về cơ sở. Theo đó, các phong trào, cuộc vận động đã được các ban, ngành, Nhân dân hưởng ứng. Cụ thể như: Vận động Quỹ “Vì người nghèo”; Quỹ "Phòng chống Covid-19”; Quỹ “Ủng hộ miền Nam”... Từ đầu năm đến nay, xã Công Bằng đã giúp đỡ 11 hộ gia đình phụ nữ đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”; hỗ trợ 11 hộ thoát nghèo; xây dựng 01 lò đốt rác; bình xét 70 hộ đạt danh hiệu “Hộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; xây dựng 02 tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê”… Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Công Bằng luôn quan tâm, chú trọng đến công tác dân vận, đặc biệt là trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác dân vận đã được phát huy.

Một góc thôn vùng cao Cốc Nọt, xã Công Bằng (Pác Nặm).
Một góc thôn vùng cao Cốc Nọt, xã Công Bằng (Pác Nặm).

Công tác dân vận ở huyện vùng cao Pác Nặm luôn được tăng cường, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập các đoàn công tác thực hiện công tác dân vận năm 2021 tại 10 thôn của 10/10 xã trên địa bàn. Thường trực Huyện ủy tổ chức 01 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Tiến hành sơ kết 02 năm thực hiện Đề án 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổng kết 05 năm thực hiện Quy định 213, 214 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị khóa XI và Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở giai đoạn hiện nay.

Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh được tăng cường. Công tác nắm tình hình và định hướng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua việc thực hiện tốt công tác dân vận, phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đồng chí  Ma Thị  Lưu- Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Pác Nặm cho biết: "Công tác dân vận của Đảng đã được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tích cực triển khai thực hiện. Đặc biệt trong phong trào “Dân vận khéo” của địa phương đã có nhiều mô hình tập thể, cá nhân điển hình nổi bật ở nhiều lĩnh vực khác nhau".

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, thực hiện gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực tế kết quả dân vận khéo ở Pác Nặm khẳng định công tác dân vận luôn là bộ phận quan trọng trong xây dựng Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng./. (Hết)

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm