Na Rì hôm nay

Những tuyến đường mới được mở rộng, kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư, nông nghiệp, nông thôn mới có nhiều đổi thay, môi trường được quan tâm... Là những tiền đề để huyện Na Rì hôm nay đang trên đường đổi mới, phát triển.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư

Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện Na Rì liên tục được đầu tư hoàn thiện. Các nguồn vốn xây dựng cơ bản được quản lý, sử dụng có hiệu quả, đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện hành về đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn đầu tư thực hiện 482,3 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực giao thông 261 công trình, giáo dục 57 công trình, thủy lợi 62 công trình, y tế 02 công trình, thiết bị nhà văn hóa 01 công trình, nhà văn hóa xã 09 công trình, nhà văn hóa thôn 148 công trình, môi trường (xử lý rác thải, thoát nước sinh hoạt) 25 công trình, điện 03 công trình, xây dựng nhà bia 05 công trình, cấp nước sinh hoạt 07 công trình; bê tông hóa được 164,68km đường xã, liên xã; 110km đường trục thôn, liên thôn; 29,74km đường ngõ xóm, 15,3km đường trục chính nội đồng; xây dựng mới trụ sở các xã 07 công trình; cải tạo sửa chữa trụ sở làm việc 9 công trình, cải tạo nâng cấp 49 nhà văn hóa thôn, 04 nhà lớp học, hiệu bộ. Hệ thống kênh mương thủy lợi, mương tiêu nước, điện lưới dần được đầu tư hoàn thiện...

Kết cấu hạ tầng được đầu tư
Kết cấu hạ tầng được đầu tư.

Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế - xã hội, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được huyện ưu tiên hàng đầu. Trong 5 năm qua, có 261 công trình giao thông được đầu tư trên địa bàn huyện, cùng với đó tuyến đường huyết mạch quan trọng thúc đẩy thông thương phát triển kinh tế địa phương là Dự án đầu tư nâng cấp QL3B đoạn Xuất Hóa (Bắc Kạn) đến cửa khẩu Pò Mã (Lạng Sơn) với tổng mức đầu tư 755 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông trọng điểm, tạo thuận lợi cho việc mở rộng giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Na Rì.

Hệ thống mạng lưới điện quốc gia tiếp tục được đầu tư mở rộng. Tỷ lệ thôn/bản có điện lưới quốc gia đạt 97,42%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,94%.

Chuyển biến trong sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Kết cấu hạ tầng được đầu tư là tiền đề để huyện chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, huyện có tổng diện tích gieo trồng bình quân đạt 9.687ha; tổng sản lượng lương thực bình quân đạt gần 34.000 tấn/năm; bình quân lương thực đầu người đạt 807,53/780kg/người/năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

Diện tích canh tác đạt 100 triệu/ha/năm thực hiện được 391ha/năm. Một số diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế như dong riềng lên luống cao, cây ăn quả, rau 3 vụ... Đây chính là diện tích không chỉ được duy trì mà còn nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân. Huyện đã phát triển vùng chuyên cây ăn quả được 688ha, trong đó cây có múi 484ha, một số diện tích đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tại Hợp tác xã Trồng cây ăn quả Khuổi Nằn 2, Hợp tác xã Kim Lư, Hợp tác xã Quýt bản địa Liêm Thủy.

Nhiều sản phẩm OCOP của huyện Na Rì đã xây dựng được thương hiệu, được thị trường đón nhận tích cực
Nhiều sản phẩm OCOP của Na Rì đã khẳng định được thương hiệu.

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay huyện có 20 sản phẩm OCOP, trong đó: 01 sản phẩm đạt 4 sao; 19 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm như: Miến dong, cam, gà thịt... đã ký kết bao tiêu tại các đại lý, siêu thị Big C và xuất khẩu sang thị trường châu Âu, qua đó các tổ chức kinh tế từng bước đầu tư nâng cao chất lượng, số lượng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Đến nay toàn huyện đạt 193 tiêu chí/16 xã, bình quân 12,06 tiêu chí/xã. Có 01 xã đạt 19 tiêu chí (Kim Lư); 01 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí (Cường Lợi); 13 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí và 01 xã đạt dưới 10 tiêu chí (Kim Hỷ)… Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa trên địa bàn.

Hoạt động thương mại, luân chuyển hàng hóa trên địa bàn phong phú, đa dạng, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân hằng năm tăng trên 25%. Trong 5 năm qua, hoạt động thương mại đạt 284 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện có 07 chợ, hiện đã chuyển đổi mô hình hoạt động 04 chợ, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên địa bàn phát triển.

Cùng với việc tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kết hợp với đổi mới trong cách nghĩ, cách làm từ cán bộ đến người dân trong phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, phát huy thế mạnh của địa phương... đã giúp quê hương Na Rì hôm nay như khoác lên mình tấm áo mới. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng cao...

D.K