Chuyện về những cô giáo gieo chữ ở vùng cao Cốc Diển

                                                                                                                                                                                                                                                           Ghi chép: Hà Thanh

Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều năm qua các cô giáo ở điểm trường vùng cao Cốc Diển, xã Phúc Lộc (Ba Bể) vẫn miệt mài gieo chữ với hy vọng trẻ em nơi đây có tương lai tươi sáng hơn.

Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao

Đã liên hệ từ trước, chúng tôi được thầy hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phúc Lộc đích thân dẫn đường lên Điểm trường vùng cao Cốc Diển, một trong những điểm trường khó khăn của xã Phúc Lộc. Chiếc xe bán tải oằn mình băng qua những đoạn dốc dựng đứng, quanh co, quãng đường đất lầy lội trơn trượt. Dọc đường đi sương mù bao phủ kèm theo mưa phùn khiến đoạn đường lên Cốc Diển vốn đã khó khăn thì nay càng khó khăn gấp bội.

Do thiếu nước nên các cô giáo ở Cốc Diển phải xách xô đi lấy nước từ khe suối về dùng.
Do thiếu nước nên các cô giáo ở Cốc Diển phải xách xô đi lấy nước từ khe suối về dùng.

Suốt quãng đường đi, thầy giáo Vi Duy Phương- Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phúc Lộc kể cho chúng tôi về những khó khăn, vất vả của những người làm công tác giáo dục ở vùng cao. Thầy còn cho chúng tôi xem hình ảnh chiếc xe máy của các cô giáo phải quấn thêm xích để tăng độ bám mới vượt qua được đoạn đường lầy đầy bùn đất, trơn trượt. Sau một thời gian vật lộn với quãng đường khó, chúng tôi đến Điểm trường Cốc Diển. Mặc dù đã gần trưa nhưng sương mù vẫn giăng kín, phủ lên từng nóc nhà, rặng cây. Cái lạnh của vùng cao cảm nhận thấy rõ.

Cốc Diển là thôn vùng cao khó khăn của xã với 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống rải rác trên những triền đồi. Bà con chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế khiến cho tỷ lệ hộ nghèo nơi đây còn cao. Điểm trường Cốc Diển có 24 học sinh thuộc bậc học mầm non và tiểu học với 4 giáo viên đứng lớp giảng dạy. Mặc dù lớp học ở Điểm trường đã được cấp, ngành, các tổ chức quan tâm tài trợ, đầu tư xây dựng khang trang, nhưng giao thông đi lại khó khăn, không có điện, không có nước, nhà công vụ, bếp ăn tạm bợ, thiếu thốn, trình độ dân trí hạn chế là những trở ngại đối với giáo viên vùng cao nơi đây, những người phải có lòng yêu nghề lớn hơn tất cả mới có thể trụ lại với nghề, tâm huyết với học sinh vùng cao.

Các cô giáo chăm chút bữa ăn cho các em ở điểm trường vùng cao Cốc Diển.
Các cô giáo chăm chút bữa ăn cho học sinh ở Điểm trường vùng cao Cốc Diển.

Chúng tôi đến Điểm trường Cốc Diển vào thời điểm gần tan giờ học buổi sáng. Hai cô giáo Nông Thị Thuyết và Long Thị Loan đang tất bật xách xô đi lấy nước ở khe suối về nấu bữa trưa cho cô và trò. Cả hai cô đều là người ở Phúc Lộc, gắn bó với với Điểm trường vùng cao Cốc Diển đã nhiều năm nay.

Cô giáo Long Thị Loan chia sẻ: Ở đây công trình nước sạch đã được đầu tư xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả, nước lúc có lúc không, nên chúng tôi phải đi lấy nước ở khe suối đầu nguồn về dùng. Nước sinh hoạt nơi đây rất hiếm, vì vậy phải dùng tiết kiệm. Không những thiếu nước, ở Điểm trường Cốc Diển hiện nay chưa có điện, đây là khó khăn lớn cho cô và trò trong quá trình giảng dạy, học tập. Ở vùng cao, vào mùa đông trời tối nhanh, sương mù dày đặc bao phủ, lớp học không có điện, phải mở hết cửa phòng đón ánh sáng, như vậy cũng đồng nghĩa với việc cô và trò phải hứng chịu cái rét tê tái của những ngày thời tiết vùng cao xuống đến 4 độ C. Khổ nhất là mùa đông sương mù, trời mưa phùn, quần áo giặt phơi cả tuần không khô.

Không có điện, các cô giáo ở điểm trường phải dùng đèn tích điện mang từ nhà đi.
Không có điện, các cô giáo phải dùng đèn tích điện mang từ nhà đi.

Căn phòng nhỏ bằng gỗ rộng chưa đầy 30m2 là nơi ở cũng như nơi làm việc của các cô giáo. Cô Nông Thị Thuyết cho biết thêm: Đường đến Điểm trường nhiều đoạn đường đất, dốc quanh co, sỏi đá gồ ghề. Những hôm trời mưa, đường trơn trượt, đi một đoạn bùn đất lại bết dính vào bánh xe, vì vậy việc bị ngã xe là điều không tránh khỏi khi phải đi trên cung đường này. Mặt khác, công tác giảng dạy ở vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về đồ dùng học tập và đồ chơi cho các em bậc mầm non.

Tấm lòng của cô giáo vùng cao

Trong chuyến đi đến Điểm trường Cốc Diển lần này, chúng tôi được nghe câu chuyện của cô giáo "cắm bản" La Thị Duyên. Vốn không phải người địa phương, nhưng khi được phân công công tác ở Điểm trường Cốc Diển nhiều năm nay, xác định gắn bó với nơi này, cô đã dành dụm mua một miếng đất nhỏ trong thôn để xây dựng nhà, giúp cho công việc giảng dạy được thuận lợi hơn. Từ đó đến nay cô đã trở thành người của bản vùng cao Cốc Diển, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con. Cô cũng được phân công là điểm trưởng của Điểm trường Cốc Diển.

Trong căn phòng chưa đầy 30m2 bằng gỗ là nơi các cô vừa ở vừa soạn bài. trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Trong căn phòng chưa đầy 30m2 bằng gỗ là nơi các cô giáo vừa ở, vừa soạn bài trong điều kiện thiếu ánh sáng.

Cô Duyên chia sẻ: Học sinh ở đây chủ yếu là dân tộc Dao, chưa thông thạo tiếng phổ thông nên việc tiếp thu bài học còn chậm. Trong đó có 3 em nhà ở xa điểm trường nhất, phải ở bán trú tại trường. Do các em còn nhỏ chưa biết cách vệ sinh cá nhân vì vậy các cô phải hướng dẫn cách sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Có phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc chăm sóc con em mình mà "phó mặc" cho cô giáo trông nom cả tháng trời, mỗi khi trò ốm đau cô giáo lại phải thức cả đêm chăm sóc. Những lúc như vậy giáo viên vừa làm cô vừa làm mẹ.

Thầy giáo Vi Duy Phương- Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phúc Lộc cho biết: Hiện nhà trường có 11 điểm trường lẻ, trong đó có 7 điểm trường chưa có điện lưới quốc gia. Điểm trường xa nhất cách trường chính 12km, còn nhiều lớp ghép, giao thông đi lại khó khăn, học sinh chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao. Đây là những rào cản lớn đối với công tác giáo dục ở vùng cao, vì vậy nhà trường đã xây dựng quy chế luân chuyển giáo viên trong thời hạn nhất định để động viên giáo viên an tâm công tác.

Mặc dù khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều năm qua những cô giáo ở Điểm trường vùng cao Cốc Diển vẫn miệt mài gieo chữ với hy vọng giúp cho trẻ em nơi đây có một tương lai tươi sáng hơn./.

Hà Thanh

Xem thêm