Na Rì: Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng những tháng cuối năm

Những tháng đầu năm 2021, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Na Rì gặp nhiều khó khăn khi một số nơi vẫn còn xảy ra các vụ việc phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Nhận định những tháng cuối năm tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện có nhiều diễn biến phức tạp, do đó, lực lượng kiểm lâm huyện Na Rì đã đề ra nhiều giải pháp và tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng.

 Cán bộ kiểm lâm huyện Na Rì kiểm tra khối lượng gỗ bị tịch thu
 Cán bộ kiểm lâm huyện Na Rì kiểm tra khối lượng gỗ bị tịch thu.

9 tháng năm 2021, trên địa bàn huyện Na Rì xảy ra 29 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, các vụ vi phạm về phá rừng, mua bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật xảy ra tại các xã: Cư Lễ, Trần Phú, Quang Phong, Đổng Xá, Dương Sơn, Sơn Thành..., với diện tích rừng bị phá là hơn 2,14ha. Lực lượng Kiểm lâm huyện đã xử lý hành chính 22 vụ (xử phạt hành chính 16 vụ với 18 đối tượng, tịch thu vô chủ 06 vụ); chuyển điều tra hình sự 07 vụ về tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, tang vật vi phạm 477 ster gỗ bóc tự nhiên loại thông thường và 01 xe ô tô; tịch thu 49,4m3 gỗ tròn tự nhiên... Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 241 triệu đồng.

Theo nhận định của các cơ quan quản lý, tình trạng này có nhiều diễn biến phức tạp hơn trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Đồng chí Lục Văn Thuần- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì cho biết: "Lực lượng Kiểm lâm huyện đã xây dựng kế hoạch, tăng cường các hoạt động kiểm tra, tuần tra, truy quét việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại các điểm chốt chặn trên các tuyến đường giao thông để ngăn chặn có hiệu quả việc buôn bán, cất giữ, chế biến, vận chuyển lâm sản trái phép. Giám sát chặt chẽ gỗ nhập, xuất của các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn huyện, đặc biệt là các cơ sở chế biến ván bóc. Xử lý nghiêm theo pháp luật các đối tượng và hành vi vi phạm... Đồng thời chúng tôi mong muốn có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền các cấp".

Hiện nay, trên địa bàn Hạt quản lý hiện có hơn 60 cơ sở đăng ký kinh doanh chế biến lâm sản. Tuy nhiên, số hoạt động thực tế còn khoảng 20 cơ sở chế biến lâm sản, hơn 10 hộ gia đình chế biến, kinh doanh đồ mộc gia dụng. Định kỳ hằng tháng, hằng quý, cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn đều kiểm tra và thăm nắm, hướng dẫn các hộ chấp hành nội quy, quy định của Nhà nước và mở sổ theo dõi theo quy định.

Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì cũng thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Quân sự tuần tra, kiểm tra rừng, truy quét ngăn chặn việc phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác chống tiêu cực nội ngành, phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không bám sát địa bàn được phân công, không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện tiêu cực, vi phạm các quy định của ngành và pháp luật...

Song song với đó, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong công tác bảo vệ rừng và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến các hộ gia đình, cá nhân trong công tác phát triển rừng trở thành hoạt động thường xuyên và liên tục. Tập trung tuyên truyền các quy định về quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, công tác phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến từng thôn, tổ, đặc biệt là các khu vực còn nhiều tài nguyên rừng có nguy cơ bị xâm hại cao. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền phù hợp với phong tục tập quán, trình độ dân trí của từng địa phương. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc giao ban xã, họp thôn, bản. Đồng thời tiến hành tu sửa, phát quang các bảng, biển tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng, nhằm phát huy hiệu quả tuyên truyền.

Với những giải pháp cụ thể, đồng bộ, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Na Rì sẽ có nhiều chuyển biến tích cực./.

Duy Khánh

Xem thêm