​​​​​​​Kiến nghị nhiều giải pháp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Với mục tiêu hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT; bảo đảm quyền và lợi ích tối đa cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, mới đây BHXH tỉnh đã kiến nghị với Đoàn khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn một số giải pháp triển khai chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

BHXH tỉnh kiến nghị
Lãnh đạo BHXH tỉnh kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh.

Giải pháp trong tổ chức thực hiện

Trước những khó khăn trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp; việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, các đơn vị đã có những đề xuất:

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Ban hành Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy để tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở và có chính sách hỗ trợ, thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên khoa…

Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả, huy động sự tham gia, vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức hội, đoàn thể trong việc vận động nhân dân tham gia và thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, nhất là nâng cao nhận thức của người dân để thấy được BHXH, BHYT là chính sách xã hội, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Đối với tình trạng nợ đóng, thực hiện công khai danh sách các doanh nghiệp nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiến hành thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và thực hiện việc khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/08/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đề xuất chính quyền địa phương xem xét bố trí nguồn NSNN trả nợ tiền đóng BHXH cho Doanh nghiệp do cơ quan Nhà nước làm chủ sở hữu.

Cơ quan BHXH thường xuyên kiện toàn bộ máy, tổ chức cán bộ, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT

Hệ thống chính sách BHXH, BHYT đang dần được hoàn thiện, Luật BHXH ngày 20/11/2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT ngày 14/6/2014 đã khắc phục được một số bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai thực hiện, các cơ quan đơn vị đã đề xuất, kiến nghị như sau:

Sửa đổi, bổ sung Luật BHXH với các nội dung: Bổ sung đối tượng là Chủ hộ kinh doanh cá thể và chủ doanh nghiệp, chủ hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc do có nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu tham gia BHXH bắt buộc nhưng lại không thuộc diện (trong khi những người làm việc trong hộ kinh doanh cá thể có ký HĐLĐ với chủ hộ kinh doanh cá thể thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc); bổ sung thêm chế độ thai sản và chế độ ốm đau vào chính sách BHXH tự nguyện trên cơ sở tính toán tỷ lệ đóng và hưởng cho phù hợp; điều chỉnh điều kiện hưởng chế độ hưu trí BHXH tự nguyện theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; Điều chỉnh thời gian tham gia BHXH liên tục để hưởng chế độ thai sản từ đủ 6 tháng lên 12 tháng để khắc phục tình trạng người lao động đăng ký đóng đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh để hưởng chế độ thai sản…

Về chính sách BHYT: Bổ sung Luật BHYT quy định chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH(Luật BHXH năm 2014 đã quy định chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH); Hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội; Quy định mức đóng BHYT linh hoạt, phù hợp theo các gói, tương ứng với mức hưởng và chất lượng dịch vụ KCB của cơ sở KCB BHYT; Xây dựng tiêu chí chất lượng dịch vụ theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn và điều kiện thực tế, tiêu chí chỉ định vào điều trị nội trú và điều trị nội trú ban ngày; Triển khai đồng bộ việc liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… trên phạm vi toàn quốc góp phần tiết kiệm nguồn kinh phí và giảm phiền hà đối với người bệnh, có giải pháp khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương;

Xem xét, điều chỉnh mức giá dịch vụ theo Thông tư 13/2019/TT-BYT cho phù hợp, tránh trường hợp dịch vụ kỹ thuật đơn giản nhưng giá cao hoặc dịch vụ phức tạp nhưng giá thấp;

Đề nghị Chính phủ tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHTN và chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn tiếp theo; chỉ đạo các cơ quan Trung ương kịp thời tham mưu hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT như: Hướng dẫn thực hiện việc xác định tuổi nghỉ hưu và nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP và Nghị định số 26/2015/NĐ-CP; quy định quy định cụ thể trách nhiệm giải quyết đối với những trường hợp có thời gian công tác trước năm 1995 còn vướng mắc; Sửa đổi Thông tư số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của liên tịch Bộ Nội vụ - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội- Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực để bổ sung mức phụ cấp khu vực tại địa bàn các xã sáp nhập theo Nghị quyết năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xây dựng cơ chế để quản lý lao động, mức tiền lương của người lao động tại các doanh nghiệp đảm bảo chặt chẽ, thống nhất giữa hồ sơ đăng ký kinh doanh, kê khai, quyết toán thuế và đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN….

(Kim Anh - BHXH tỉnh Bắc Kạn)

Xem thêm