Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ Vườn Quốc gia Ba Bể

Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể có diện tích hơn 10.000ha, là danh lam thắng cảnh nổi tiếng với hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nơi đây cũng luôn phải đối mặt với các mối đe dọa như khai thác rừng trái phép, săn bắt động vật hoang dã, đánh bắt quá mức các nguồn thủy sản, gây ô nhiễm vùng hồ…

Kiểm lâm VQG Ba Bể cùng người dân thu dọn vệ sinh tuyến đường ven hồ
Kiểm lâm VQG Ba Bể cùng người dân thu dọn vệ sinh tuyến đường ven hồ.

Ông Phạm Văn Nam- Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Ba Bể cho biết: Để đạt được các mục tiêu bảo vệ VQG một cách bền vững, thông qua các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Ban quản lý Vườn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động người dân sinh sống xung quanh VQG, khách du lịch… nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đặc dụng.

Hằng năm, Ban Quản lý VQG Ba Bể đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương, khách du lịch về những giá trị đặc biệt của môi trường tự nhiên VQG Ba Bể; bảo đảm vệ sinh môi trường tại các tuyến, điểm du lịch sinh thái trong VQG và quản lý, sử dụng cảnh quan thiên nhiên hiệu quả, trách nhiệm. Hình thức tuyên truyền đa dạng như thông qua báo chí, truyền hình, đặc biệt là phát trực tiếp trên hệ thống loa phát thanh tại các thôn, bản vùng đệm VQG. Nội dung tập trung vào hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; một số nguyên nhân gây suy thoái đa dạng sinh học, gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường tự nhiên khu vực...

Cụ thể, nội dung giáo dục tuyên truyền môi trường thường ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung làm rõ nguy cơ và tác hại của các loại rác thải nhựa. Khuyến khích bà con cải tạo chuồng trại chăn nuôi, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, đường làng ngõ xóm; không xả nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi ra kênh, mương chung; chôn lấp xác động vật chết, chủ động phân loại rác thải sinh hoạt; ủ rác thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp; thu gom xử lý vỏ, bao bì các loại hóa chất bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, mặt hồ; sử dụng tiết kiệm các loại nhiên liệu; trồng nhiều cây xanh…

Trong công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng VQG, cán bộ, chiến sĩ VQG Ba Bể đã nêu bật giá trị, tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, có tính đa dạng sinh học cao với hơn 1.200 loài thực vật; gần 500 loài động vật. Trong đó có nhiều loài động, thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, trung tâm của VQG Ba Bể là hồ Ba Bể, một điểm du lịch nổi tiếng được ví như “Viên ngọc xanh giữa đại ngàn”, có giá trị cao về phát triển du lịch… Do vậy, người dân sinh sống xung quanh VQG cần có ý thức nắm rõ Luật Lâm nghiệp, những quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; chủ động tích cực phát giác các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; tổ chức đăng ký sử dụng cưa xăng và các phương tiện độ chế theo quy định…

Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ Vườn Quốc gia Ba Bể ảnh 2
Người dân xã Nam Mẫu tham gia vớt rác thải trên mặt hồ Ba Bể.

Để tăng cường đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động quản lý bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm VQG thường xuyên tuần tra, mật phục nắm bắt tình hình; kết hợp với các nhóm tổ cộng đồng thôn, bản nhận giao khoán thực hiện tuần tra bảo vệ rừng theo định kỳ; thành lập các chuyên án để điều tra, truy bắt các đối tượng vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Từ 2016 đến nay đã phát hiện và xử lý 162 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Cuối năm 2019, triển khai thực hiện 01 chuyên án, xử lý 03 đối tượng vi phạm. Cụ thể, Tòa án Nhân dân huyện Ba Bể đã đưa ra xét xử sơ thẩm công khai và tuyên phạt mỗi bị cáo 24 tháng tù giam. Đầu năm 2021, triển khai thực hiện 01 chuyên án, xử lý vi phạm hành chính 05 đối tượng với tổng số tiền 42 triệu đồng.

Cùng với các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng, Ban Quản lý VQG Ba Bể đã triển khai các chính sách liên quan đến cộng đồng thôn, bản sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm VQG Ba Bể, nhằm nâng cao đời sống cho Nhân dân, đồng thời gắn chặt với công tác bảo vệ VQG Ba Bể, như: Giao kinh phí quản lý bảo vệ rừng đặc dụng với mức 200.000 đồng/ha; chi trả dịch vụ môi trường rừng trung bình 120.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ phát triển cộng đồng với mức 40 triệu đồng/thôn, bản/năm. Từ nguồn kinh phí trên, hằng năm các thôn, bản đã xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu như: Xây nhà họp thôn, xây cầu, đường, kiên cố hóa hệ thống mương thuỷ lợi…

Cùng với đó, Ban Quản lý VQG Ba Bể đã xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các điểm tham quan du lịch, tuyến đường mòn đi bộ kết hợp hoạt động kiểm tra các tuyến điểm du lịch. Chủ động sửa chữa, lắp đặt mới biển báo, biển diễn giải môi trường tại các tuyến sinh thái…

Là nơi chứa đựng các giá trị về thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong nước mà còn với quốc tế, để tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của VQG Ba Bể, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vườn còn rất cần sự hỗ trợ chặt chẽ, thống nhất của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng người dân./.

Phan Quý

Xem thêm