Bắc Kạn kiểm soát hiệu quả bệnh dại

Triển khai Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017-2021”, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực thực hiện và đạt kết quả tích cực.

Bệnh dại gây nên do virus dại (Rabies virus), có thể ảnh hưởng đến nhiều loài động vật khác nhau nhưng phổ biến nhất là bệnh dại ở chó và mèo. Do sự gần gũi giữa con người với chó, mèo, nguy cơ mắc bệnh dại của người cũng rất cao. Sự nguy hiểm của căn bệnh này là tỷ lệ tử vong cao trong khi diễn tiến không có nhiều dấu hiệu. Chính vì vậy, rất nhiều người chủ quan không tiêm phòng, thăm khám.

Theo Tổ chức WHO, bệnh dại gần như luôn gây tử vong sau khi người bệnh/động vật đã xuất hiện những triệu chứng lâm sàng. Thống kê hiện nay cho thấy, có khoảng 99% trường hợp bệnh dại ở người là do lây nhiễm từ chó nhà. Virus gây bệnh dại thường có trong nước bọt của những con vật bị mắc bệnh dại. Thông qua vết cắn, chúng có thể khiến những virus này lây sang cho con người hoặc những động vật khác. Và khi lây sang người, tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Hiện chưa có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả trên toàn thế giới. Cách duy nhất để bảo vệ mạng sống chính là tiêm phòng trước hoặc ngay sau khi người bệnh bị phơi nhiễm.

Chó thả rông không đeo rọ mõm ở TP. Bắc Kạn.
Chó thả rông không đeo rọ mõm ở TP. Bắc Kạn.

Giai đoạn 2017 - 2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi năm có 76 người tử vong. Số lượng người bị chó, mèo cắn là trên 500.000 người buộc phải điều trị dự phòng; gây tổn thất lớn về sức khỏe, tính mạng và kinh tế khoảng hơn 3.800 tỷ đồng. Bệnh dại xảy ra rải rác các tháng trong năm, cao hơn vào những tháng nắng nóng, từ tháng 5 đến tháng 8.

Triển khai “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017-2021” của Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin, hệ thống loa truyền thanh của xã, tổ dân phố, lồng ghép vào các cuộc họp thôn để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác tiêm phòng vắc xin hằng năm, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh dại. Tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ 70% trở lên so với tổng đàn; duy trì các vùng, cơ sở an toàn bệnh dại và tiếp tục xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh dại để tiến tới loại trừ bệnh dại trên đàn vật nuôi.

Triển khai thực hiện các biện pháp giám sát dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở. Thống kê, lập sổ quản lý đàn chó nuôi, tổ chức nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm khi mang chó ra ngoài, hạn chế hiện tượng chó thả rông cắn người. Người dân khi bị chó, mèo cào, cắn phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị và tiêm phòng vắc xin. Tiêu hủy ngay chó, mèo chết do bệnh dại, nghi mắc bệnh dại; khoanh vùng dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin dại khẩn cấp cho chó, mèo ở vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, chó, mèo được nuôi chủ yếu trong các hộ dân với mục đích nuôi làm cảnh, nuôi để trông giữ nhà, có rất ít hộ nuôi thương phẩm, vì vậy số lượng nuôi thông thường tại mỗi hộ chỉ từ 1 đến 3 con. Tình hình chăn nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, số hộ nuôi chó, mèo, tổng đàn chó, mèo thay đổi không lớn. Cụ thể, năm 2017 có 37.537 hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn 45.787 con; năm 2021 tổng số hộ nuôi chó, mèo là 38.821 hộ, với tổng đàn 48.312 con. Với tập quán nuôi chó, mèo, chủ yếu thả tự do, nuôi quy mô hộ gia đình, với mục đích nuôi làm cảnh hoặc để trông giữ nhà nên số lượng tổng đàn tăng không nhiều.

Năm 2017, dịch dại động vật xảy ta tại 4 huyện (Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Chợ Mới) làm 51 con bị mắc (47 con chó, 02 con trâu và 02 con mèo). Năm 2018, xuất hiện một con chó dại tại thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn), người dân đã vây đập chết con chó mắc bệnh. Sau đó, UBND huyện Chợ Đồn đã công bố dịch và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định. Từ năm 2019 đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ca bệnh dại nào.

Việc tiêm phòng định kỳ vào tháng 3 - 4 và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung vào tháng 9 - 10 với tỷ lệ đạt cao hơn mục tiêu của Chương trình. Cụ thể, năm 2017 số lượng chó, mèo được tiêm là 35.448 con, đạt trên 136% kế hoạch, bằng 77% so với tổng đàn; năm 2018 số lượng chó, mèo được tiêm là 37.622 con, đạt gần 100% kế hoạch, bằng 74% so với tổng đàn; năm 2019 số lượng chó, mèo được tiêm là 37.578 con, đạt 97% kế hoạch, bằng 80% so với tổng đàn; năm 2020 số lượng chó, mèo được tiêm phòng là 35.762 con, đạt 91% kế hoạch, bằng 77% so với tổng đàn; năm 2021 số lượng chó, mèo được tiêm phòng lần 1 là 27.692 con, đạt 69% so với kế hoạch. Hiện các địa phương đang triển khai tiêm bổ sung trong tháng 9 và 10/2021.

Mặc dù kết quả của tỉnh Bắc Kạn đạt cao hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tuy nhiên việc thực hiện Chương trình còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Người dân chủ yếu thả rông chó, mèo; chưa chấp hành việc đăng ký nuôi chó; chưa ý thức nuôi nhốt, xích chó, đeo rọ mõm cho chó; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại hằng năm vẫn thấp, chưa tạo miễn dịch quần thể cho đàn chó, mèo.

Cùng với đó, nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân về bệnh dại còn hạn chế nên dẫn đến chủ quan, lơ là, chưa chấp hành tốt các quy định trong công tác phòng, chống bệnh dại. Một số người dân, người bị chó cắn chưa hiểu rõ tác hại của bệnh dại hoặc chủ quan, do vậy không tiêm phòng vắc xin dại cho chó hoặc khi bị chó cắn không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng... Những hạn chế trên rất cần các cấp, các ngành chức năng chủ động khắc phục nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại từ chó, mèo./.

Phan Quý

Xem thêm