Tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021

Sáng 28/9, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 – 2021; góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 và mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đồng chủ trì Hội nghị. Dự tại điểm cầu của tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn.

Trong giai đoạn 2017 đến tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố; trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016. Bệnh dại xảy ra rải rác các tháng trong năm, cao hơn vào các tháng nắng nóng, từ tháng 5 đến tháng 8. Giai đoạn 2017 - 2021, công tác quản lý đàn chó được các địa phương tích cực triển khai thực hiện; 95% số xã, phường có báo cáo danh sách hộ nuôi chó; tổng đàn chó trung bình mỗi năm là trên 7,5 triệu con, được nuôi tại trên 4,9 triệu hộ gia đình. Trung bình tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng vắc xin dại trên phạm vi cả nước đạt 49,2% (tăng 10,7% so với trung bình của giai đoạn 2012 - 2016). Hằng năm có hơn 510.000 người phải đi điều trị dự phòng, cho thấy mức độ nguy hiểm của bệnh dại và tầm quan trọng của việc điều trị dự phòng. Hệ thống tiêm vắc xin phòng dại cho người đã được xây dựng và triển khai ở các địa phương; có 650 điểm tiêm trên toàn quốc, về cơ bản đáp ứng được khả năng tiếp cận về địa lý và vắc xin cho những người bị phơi nhiễm với động vật nghi dại...

Tại tỉnh Bắc Kạn, năm 2017 có 37.537 hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn là 45.787 con; đến năm 2021 có 38.821 hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn là 48.312 con. Do tập quán chăn nuôi chó, mèo làm cảnh hoặc để trông giữ nhà nên số lượng tổng đàn tăng không đáng kể.

Năm 2017, dịch dại động vật xảy ra tại 4 huyện (Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn và Chợ Mới) làm tổng số 51 con bị mắc (gồm 47 con chó, 02 con trâu và 02 con mèo). Năm 2018, xuất hiện một con chó dại tại thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn), người dân đã vây bắt và đập chết con chó mắc bệnh. Từ năm 2019 đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ca bệnh dại nào. Hằng năm, tỉnh tổ chức tiêm phòng định kỳ vào tháng 3 - 4 và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung vào tháng 9 - 10.

Hội nghị đã triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 – 2030, trong đó đặt ra mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Toàn bộ đàn chó, mèo trong địa bàn cấp xã phải được tiêm vắc xin dại và phải được đeo vòng cổ để nhận diện (vòng cổ có thẻ nhựa hoặc kim loại).

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh hậu quả nặng nề của bệnh dại đối với con người. Trước tình hình bệnh dại trong phạm vi cả nước thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới việc phòng, chống bệnh dại. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên cả nước đạt thấp. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 không còn tử vong do bệnh dại, Thứ trưởng yêu cầu cần tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh dại; tăng cường quản lý đàn chó, mèo; tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh dại. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm hơn nữa tới công tác phòng, chống bệnh dại tại địa phương…/.

Phan Quý – Hồng Tuyến

Xem thêm