Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế

Phát huy vai trò cầu nối, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của hội viên trong lao động sản xuất, giai đoạn 2016 - 2021, các cấp Hội Phụ nữ huyện Ba Bể đã triển khai nhiều hoạt động giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Được biết đến là một người phụ nữ giàu nghị lực, quyết tâm vượt khó vươn lên, những năm qua, chị Hoàng Thị Vũ ở thôn Nà Cọ, xã Hoàng Trĩ đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Trong căn nhà rộng rãi khang trang, chị tâm sự: "Những tháng ngày chồng ốm đau bệnh nặng, một mình tôi gánh vác mọi việc trong gia đình. 5 năm trước, được Hội Phụ nữ xã tư vấn, tạo điều kiện, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng để làm vốn buôn bán các mặt hàng nông sản. Không quản ngại nắng mưa, tôi đi khắp các chợ xa, chợ gần, tích lũy từng đồng lãi ít ỏi, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau này, nhận thấy nhiều nông sản địa phương được ưa chuộng, tôi đứng ra làm đầu mối kết nối tiêu thụ. Hiện nay, thu nhập của gia đình tôi đạt từ 300 – 400 triệu đồng/năm".

Đối với chị Dương Thị Đềm, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Nà Đúc, xã Địa Linh, nhờ nhạy bén chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp gia đình chị có cuộc sống đầy đủ hơn. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, chị Đềm là một trong những người tiên phong chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bí xanh thơm và các loại rau màu khác. Qua sách báo và tài liệu hướng dẫn, chị đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Ngoài ra, chị còn đầu tư trồng cây ăn quả, trồng rừng để tăng thu nhập. Hiện, mỗi năm mô hình kinh tế tổng hợp giúp cho gia đình chị thu nhập khoảng 180 triệu đồng. Chị Đềm cho biết: "Bản thân tôi luôn tích cực học hỏi những cách làm hay, kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi. Đó cũng là cách để tôi vừa nâng cao kiến thức cho bản thân, vừa đem lại hiệu quả kinh tế".

Ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế do chị em phụ nữ xây dựng và mang lại hiệu quả cao. (Ảnh: mô hình trồng cây ăn quả của gia đình bà Nông Thị Đôi ở Bản Hon, xã Bành Trạch
Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình bà Nông Thị Đôi ở Bản Hon, xã Bành Trạch.

Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Bể xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm kinh tế do chị em phụ nữ xây dựng và làm chủ. Điển hình như: Chị Triệu Thị Sinh ở thôn Nà Hai, xã Quảng Khê với mô hình trồng mận sớm, bí xanh, cà chua, dưa lê, dưa hấu, nuôi trâu sinh sản, thu nhập đạt khoảng 150 triệu đồng/năm; chị Nông Thị Thắm ở thôn Thạch Ngõa 2, xã Mỹ Phương trồng hơn 20ha cây lâm nghiệp, 2ha hồi, nuôi gần 100 con lợn, 10 con bò, chăn nuôi cá, thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm; chị Ma Thị Đầm ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu là điển hình trong phát triển dịch vụ du lịch, mỗi tháng thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng...

Bên cạnh đó, nhiều chị em phụ nữ còn năng động xây dựng mô hình kinh tế tập thể như: Chị Lê Thị Hà đứng ra thành lập HTX chè Mỹ Phương; chị Ma Thị Ninh là Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương; chị Đinh Tuyết Nhung là Giám đốc HTX Nhung Lũy; chị Hoàng Thị Hương là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và chế biến các đặc sản khu vực hồ Ba Bể; chị Đồng Thị Vọng là Tổ trưởng Tổ hợp tác bí xanh thơm ở Địa Linh... Những tổ hợp tác, hợp tác xã trên đều hoạt động hiệu quả, giúp nhiều chị em phụ nữ có việc làm, thu nhập ổn định.

Đồng hành với hội viên

Hằng năm, các cấp Hội LHPN huyện Ba Bể luôn chú trọng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp như: Hỗ trợ vốn vay, phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Tập trung nguồn lực hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, thủ tục thành lập hợp tác xã, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của hội viên... Kết quả, từ năm 2016 đến nay đã hỗ trợ thành lập được 03 hợp tác xã và 23 tổ hợp tác với 353 thành viên tham gia. Có 12 sản phẩm OCOP của hội viên phụ nữ đạt chất lượng 3 sao, được kết nối thị trường, đưa vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh như: Bí xanh thơm, gạo nếp, miến dong, thịt chua, tép chua, thịt lợn gác bếp...

Để giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo, hộ nghèo do hội viên phụ nữ đứng chủ thoát nghèo, Hội đã có những việc làm thiết thực như: Gây quỹ tiết kiệm cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi; hỗ trợ làm nhà ở, cây, con giống, thức ăn chăn nuôi; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; cho mượn đất sản xuất, giúp ngày công lao động; vận động hội viên, phụ nữ tham gia học nghề, giúp giới thiệu đầu ra cho sản phẩm, hướng dẫn vay vốn... Nhờ đó đã có 322 hộ hội viên thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, trong đó có 52 hộ hội viên phụ nữ đứng chủ thoát nghèo.

Từ các nguồn vốn như: Vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn chương trình hợp tác lâm nghiệp Việt Nam - Phần Lan, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển... đã có trên 3.100 hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả để xây dựng các mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập. Ngoài ra các cơ sở Hội còn thành lập được 10 nhóm tiết kiệm tín dụng, có 252 thành viên tham gia với số tiền gần 400 triệu đồng, quay vòng cho 165 chị vay phát triển kinh tế gia đình.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Vân- Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Bể cho biết: Thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã xây dựng được nhiều mô hình mới, cách làm hay, làm thay đổi tư duy, giúp chị em chủ động phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Thu Hường

Xem thêm