Ký ức về ngày khai sinh đất nước

Những ngày này, cờ đỏ sao vàng tung bay trên khắp các ngả đường, hân hoan chào đón 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 (1945 - 2021). Bao năm đã đi qua, những người chứng kiến được thời khắc Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 02/9/1945, giờ đã là những cụ ông, cụ bà. Song, những ký ức đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của họ.

Nhà văn Nông Viết Toại có nhiều ký ức đẹp về ngày 02/9/1945.
Nhà văn Nông Viết Toại có nhiều ký ức đẹp về ngày 02/9/1945.
 

Nhà văn Nông Viết Toại, 95 tuổi, trú tại tổ 12, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) là người gắn bó với công tác tuyên truyền cách mạng từ những năm còn rất trẻ. Mỗi năm dịp 02/9 đều gợi lại trong ông nhiều cảm xúc: Năm 1945, tôi làm ở Phòng Thông tin huyện Ngân Sơn, do điều kiện lúc bấy giờ khó khăn, nên phải đến mấy ngày sau đó mới có được tờ báo Cứu quốc để đọc cảm nhận về giờ phút ngày lễ thiêng liêng mà Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Những năm sau đó, không khí tưng bừng của ngày Quốc khánh 02/9 rất náo nhiệt. Các cơ quan phấn khởi treo cờ, mỗi dịp như thế tôi cùng anh em kẻ khẩu hiệu, bắc loa tuyên truyền, cổ động để mang lại không khí cho bà con nhân dân. Tôi còn dịch lời bài hát Quốc ca từ tiếng phổ thông ra tiếng Tày để mọi người hiểu ý nghĩa”.

Dân tộc Việt Nam hôm nay đều tự hào về Đảng, về vị lãnh tụ kính yêu đã mang đến cho dân tộc cơ hội để có nền độc lập. Dân tộc Việt Nam quyết giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Ngày 02/9/1945 đã đi vào lịch sử. Người Việt Nam ngẩng cao đầu, tự hào trở thành công dân của một nước độc lập, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. 76 năm trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã trở thành sức mạnh to lớn, làm sức bật cho toàn dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng ngày Lễ Độc lập (02/9), tiếp bước xây dựng Việt Nam hùng cường, phát triển giàu mạnh, văn minh.

 
 
Cụ Phạm Văn Viên, 90 tuổi, ở tổ 9, phường Nguyễn Thị Minh Khai, từng có 5 năm tham gia dạy học thời kỳ bình dân học vụ.
Cụ Phạm Văn Viên, 90 tuổi, ở tổ 9, phường Nguyễn Thị Minh Khai, từng có 5 năm tham gia dạy học thời kỳ bình dân học vụ.
 

Cụ Phạm Văn Viên, tổ 9, phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn), năm nay 90 tuổi, cho biết: “Tôi quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội không xa lắm. Ngày 02/9/1945, tôi mới chỉ là một thiếu niên 13 tuổi, nhưng luôn nhớ không khí ngày Quốc khánh. Ngày hôm đó, tôi thấy cả làng thi nhau ùa ra đình làng, tôi cũng chạy theo đoàn người. Ra tới nơi, thấy lá cờ đỏ cắm trên đình làng bay phấp phới, mọi người chen nhau vào ngắm lá cờ đỏ sao vàng và một tấm ảnh của Bác, lúc đó tôi mới biết là ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Thời khắc mọi người đổ xô ra đình, ngắm nhìn tấm ảnh của Bác vẫn mãi in đậm trong tôi”.

Mỗi dịp Quốc khánh 02/9, trong tâm trí của những người chứng kiến buổi lễ trang trọng năm xưa vẫn tràn đầy cảm xúc khi nhớ đến giây phút đất nước được độc lập, thoát khỏi ách áp bức đô hộ của chế độ thực dân, phong kiến. Mặc dù trong thời kỳ khó khăn, nhiều người dân Việt Nam không có điều kiện đến tận nơi để mắt thấy, tai nghe nhưng qua những chiếc đài radio cassette cũng được nghe rõ từng câu, từng lời giọng nói dõng dạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với Nhân dân Việt Nam và toàn thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Thời khắc ấy, tất cả mọi người dân Việt Nam đều kiêu hãnh và tự hào về sự thắng lợi vẻ vang hào hùng của dân tộc.

Cụ Hứa Thị Vanh, 100 tuổi, tổ 12, phường Nguyễn Thị Minh Khai xem lại tấm hình đen trắng của gia đình thời chiến tranh.
Cụ Hứa Thị Vanh, 100 tuổi, tổ 12, phường Nguyễn Thị Minh Khai xem lại tấm hình đen trắng của gia đình thời chiến tranh.
 

Cụ Hứa Thị Vanh, năm nay tròn 100 tuổi, trú tại tổ 12, phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn) vẫn còn khá minh mẫn. Khi chúng tôi nhắc đến không khí ngày 02/9, mắt cụ sáng bừng lên như đang có một luồng sinh khí tươi vui, phấn khởi. Cụ kể: “Năm 1945, tôi tròn 23 tuổi, đã lấy chồng và có một con còn đang ẵm ngửa. Thời kỳ khó khăn, loạn lạc, tôi không có điều kiện được học chữ, nhiều người ở lứa tuổi tôi không biết đọc, viết, nhưng rất hiểu về thời cuộc. Trong tâm trí, lúc nào cũng sẵn sàng lên đường chống giặc. Những năm ấy, con tôi còn nhỏ nhưng thường xuyên phải sơ tán trong rừng tránh bom đạn của giặc, khổ cực đủ thứ. Cho đến tận bây giờ, dù đã bao năm trôi qua, mỗi dịp đến ngày 02/9, nhìn thấy phố phường rực cờ đỏ sao vàng tôi lại bồi hồi, sung sướng”.

Lục lại những hồi ức thời kỳ chiến tranh, cụ Vanh bảo con, cháu tìm tấm ảnh đen trắng duy nhất của gia đình ra xem lại để nhớ. Không chỉ nhớ về ký ức khổ cực thời kỳ chiến tranh, cụ còn cảm ơn Đảng, Bác Hồ đã tìm đường cho những người dân Việt Nam có cuộc sống đủ đầy, no ấm. Cụ bảo: Có Đảng, Bác Hồ, tôi và các con, cháu mới có cuộc sống yên bình, no ấm như hôm nay. Chứng kiến đất nước thay đổi, phồn vinh còn gì sung sướng, hạnh phúc hơn”./.

Tùng Vân

Xem thêm