ATK Chợ Đồn từ mạch nguồn cách mạng

Về Chợ Đồn hôm nay dễ dàng nhận thấy những đổi thay lớn về diện mạo kinh tế - xã hội. Các tuyến đường được kết nối liên vùng, hệ thống giao thông nông thôn, đường nội đồng được bê tông hóa thuận tiện; nhà cửa và các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang, kinh doanh dịch vụ phát triển… Tất cả cho thấy sức vươn mình mạnh mẽ của vùng quê cách mạng.

Trung tâm thị trấn Bằng Lũng.
Trung tâm thị trấn Bằng Lũng.

Tự hào là vùng ATK cách mạng

Chợ Đồn tự hào là cái nôi của cách mạng. Trong những năm kháng chiến, đồng bào nơi đây đã sớm giác ngộ cách mạng, hết lòng che chở, bảo vệ an toàn  cho cán bộ cũng như các cơ quan đầu não của Trung ương. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc xây dựng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, chọn nơi đây là an toàn khu để lãnh đạo kháng chiến. Từ mảnh đất này, các quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước đã ra đời. Các điểm di tích như Bản Ca (xã Bình Trung), hay điểm di tích Nà Pậu (xã Lương Bằng) là nơi Bác Hồ đã đến và làm việc những năm 1947-1951; đồi Khau Mạ (xã Lương Bằng)  nơi đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính phủ hoạt động từ 1950-1951;  đồi Pù Cọ (xã Nghĩa Tá) nơi gặp nhau của 2 đoàn quân Nam tiến - Bắc tiến năm 1943… giờ đây đều là những “địa chỉ đỏ” quen thuộc để nhắc nhở, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.

Ghi nhận những đóng góp lớn lao đó, 12 đơn vị hành chính của huyện Chợ Đồn đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 7 xã được công nhận là xã ATK của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gồm: Bình Trung, Lương Bằng, Nghĩa Tá, Bản Thi, Bằng Lãng, Yên Thịnh, Yên Thượng. Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Chợ Đồn là vùng ATK của Trung ương. Hiện nay, Chợ Đồn có 6 di tích lịch sử được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia; 14 điểm được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Mỗi địa danh trên mảnh đất này đều gắn với những mốc son chói lọi, là tài sản vô giá của Nhân dân các dân tộc huyện Chợ Đồn nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Khu di tích lịch sử Bản Ca (xã Bình Trung), nơi Bác Hồ từng sống và làm việc năm 1947, giờ đây là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Khu di tích lịch sử Bản Ca (xã Bình Trung), nơi Bác Hồ từng sống và làm việc năm 1947, giờ đây là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Phát huy thế mạnh, nâng cao đời sống người dân

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Chợ Đồn đã ra sức thi đua, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phấn đấu xây dựng địa phương ngày một phát triển bền vững.

Nhiều năm qua, huyện tập trung khai thác thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm như gạo Bao thai, chè Shan tuyết, hồng không hạt… theo hướng hàng hóa, nhờ vậy cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực. Trong 5 năm qua, toàn huyện có 1.000ha lúa được áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất; lương thực bình quân đạt hơn 500kg/người/năm; huyện đã có 20 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Chợ Đồn còn đẩy mạnh phát triển rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ. Mỗi năm huyện đều hoàn thành trồng rừng mới từ 500 - 1.000ha, nguồn lợi từ lâm sản đã góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ dân, nâng tỷ lệ che phủ rừng của cả huyện lên 80,5%, dẫn đầu toàn tỉnh.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Chợ Đồn luôn dành nguồn lực ưu tiên đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng đến các xã, nhất là các xã vùng cao nhằm từng bước  nâng cao mức sống cho bà con. Đến nay toàn huyện đã có 3 xã là Đồng Thắng, Yên Thượng và Nghĩa Tá được công nhận là xã NTM. Trong năm 2021 huyện phấn đấu có thêm xã Phương Viên và Yên Thịnh về đích NTM. Với nguồn lợi tài nguyên khoáng sản đa dạng, Chợ Đồn còn tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản. Với 7 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trên lĩnh vực khai khoáng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, giúp Chợ Đồn trở thành một trong những huyện có nguồn thu ngân sách lớn thứ 2 của tỉnh, chỉ sau thành phố Bắc Kạn.

Theo đồng chí Ma Thị Na- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện: “Tới đây, dựa vào lợi thế của từng vùng, huyện sẽ có kế hoạch, định hướng cụ thể cho mỗi địa phương phát triển các sản phẩm hàng hóa đặc trưng vùng. Trong đó đối với xã Bình Trung sẽ khuyến khích các nhà máy chế biến sâu về lâm sản nhằm tận thu nguyên liệu từ rừng. Xã Lương Bằng định hướng phát triển giống lúa nếp “Khẩu Nua Pái”. Xã Bản Thi định hướng phát triển du lịch trải nghiệm sinh thái, lịch sử. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện  tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư  khai thác tiềm năng thế mạnh vùng. Còn với các điểm di tích lịch sử đặc biệt, huyện đã có đề án, nghị quyết trong từng giai đoạn, xây dựng lộ trình từng năm để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế huyện ngày càng phát triển, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương”./.

 Thu Trang

Xem thêm