An toàn thực phẩm:

Lựa chọn bánh trung thu an toàn trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, người dân dần thay đổi thói quen mua sắm thực phẩm, hàng tiêu dùng từ trực tiếp sang phương thức trực tuyến (online) thông qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội facebook, zalo....

Người tiêu dùng cần chọn bánh trung thu của các cơ sở sản xuất có uy tín.
Người tiêu dùng cần chọn bánh trung thu của các cơ sở sản xuất có uy tín.

Do vậy, để chọn bánh trung thu đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh Covid-19, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau:

Về nhãn mác, bao bì: Bao bì phải còn nguyên vẹn, không bị rách, tránh tình trạng không khí lọt vào làm hư hỏng bánh. Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ghi rõ nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, thành phần nguyên liệu, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng.

Về chất lượng: Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, màu sắc không khác thường, không có mùi khác lạ. Không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Nên chọn những loại bánh trung thu được sản xuất tại các cơ sở uy tín có chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Nếu mua bánh trung thu trên mạng xã hội, người tiêu dùng cần xem xét cẩn thận, tham khảo thêm ý kiến đánh giá của bạn bè, người thân đã dùng, các nhận xét về chất lượng, uy tín của đơn vị kinh doanh.

Đối với việc mua hàng online, để phòng tránh lây nhiễm Covid-19, người tiêu dùng cần:

Đặt hàng ở những nơi uy tín: Để đảm bảo quyền lợi, người tiêu dùng nên mua hàng online tại các gian hàng chính hãng, uy tín trên các sàn thương mại điện tử. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, chất lượng thực phẩm, địa chỉ rõ ràng.

Giao hàng không tiếp xúc: Việc giao, nhận hàng không tiếp xúc trực tiếp, người giao hàng sẽ đặt hàng hóa tại vị trí đã chỉ định, thông báo cho khách lấy hàng và đứng chờ khách ở khoảng cách 2 - 3m, tránh nói chuyện trực tiếp để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Người giao hàng phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hàng từ khu vực kho lưu giữ được khử khuẩn.

Thanh toán không dùng tiền mặt: Người tiêu dùng nên lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ví điện tử, thẻ tín dụng, thẻ ATM liên kết với các ứng dụng giao, nhận hàng. Hoặc nếu thanh toán tiền mặt thì nên chuẩn bị đủ số tiền, tránh nhận tiền thừa.

Loại bỏ bao bì: Các nhà nghiên cứu phát hiện vi rút gây bệnh Covid-19 có thể sống đến 24 giờ trên bìa carton và tối đa 3 ngày trên nhựa, thép không gỉ. Do đó, nên loại bỏ bao bì của gói hàng ngay lập tức và vệ sinh hàng hóa vừa nhận, rửa tay kỹ trong 20 giây để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm vi rút./.

Phương Thào

Xem thêm