Tân Sơn nỗ lực giảm nghèo

Tân Sơn là xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện Chợ Mới với tỷ lệ hộ nghèo khoảng 50%. Để từng bước giảm nghèo, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống.

Cây cà gai leo đang được xã Tân Sơn phát triển diện tích.
Cây cà gai leo đang được xã Tân Sơn phát triển diện tích.

Gia đình ông Bàn Văn Tịnh là một trong những hộ đã thoát nghèo ở thôn Nặm Dất, xã Tân Sơn. Để đảm bảo về lương thực với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", gia đình ông vẫn duy trì làm nương rẫy. Tuy nhiên, khác với trước đây, để thoát nghèo và làm giàu, bên cạnh ngô, lúa, gia đình ông còn trồng hơn 4ha quế và gần 4.000m2 gừng. Đây là nguồn thu nhập quan trọng khi gừng và quế đều có giá bán cao trên thị trường.

Còn gia đình chị Lý Thị Ba, thôn Nặm Dất, trước đây đều đầu tư trồng khoảng 2ha gừng mỗi năm, nhờ đó vươn lên khá giả. Tuy nhiên, do gừng hay bị sâu bệnh, chăm bón vất vả nên gia đình chị đã chuyển sang trồng khoảng 2ha cây cà gai leo, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Nhờ tích cực phát triển cây trồng hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân thôn Nặm Dất có thu nhập ổn định. Thôn có 89 hộ, hiện còn 31 hộ nghèo, nhiều hộ xây được nhà 2 tầng khang trang.

Đồng chí Triệu Thị Kiều- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: Xã có 6 thôn, bản với hơn 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Là xã vùng cao, đất cấy lúa, trồng ngô rất ít, chủ yếu là đồi núi khô cằn. Để tháo gỡ khó khăn, những năm vừa qua, xã đã đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và canh tác bền vững trên đất dốc. Người dân trong xã đã đưa cây một số cây trồng phù hợp khí hậu địa phương như cây gừng, hồi, cà gai leo trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao. Hiện toàn xã có trên 30ha gừng, 12ha cà gai leo và khoảng 5ha hồi, hằng năm mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh phát huy lợi thế kinh tế đồi rừng, hiện nay xã định hướng phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Lợi thế của Tân Sơn đó là có nhiều cảnh quan đẹp, đặc biệt là suối Bản Lù và lợi thế gần thành phố Bắc Kạn, Quốc lộ 3. Nếu được đầu tư và quảng bá tốt, Tân Sơn hoàn toàn có thể thu hút du khách, phát triển du lịch.

Xã đang được hỗ trợ xây dựng nhà sấy công nghệ cao để sấy cà gai leo.
Xã đang được hỗ trợ xây dựng nhà sấy công nghệ cao để sấy cà gai leo.

Tân Sơn hiện vẫn là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao ở huyện Chợ Mới. Để giảm nghèo hiệu quả, bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chính quyền và ngành chức năng huyện cần có cơ chế thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng thế mạnh của Tân Sơn như du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân./. 

Lý Dũng

Xem thêm