Phòng, chống xâm hại động, thực vật quý hiếm

Bắc Kạn là địa phương có diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ rộng lớn lên tới hơn 100.000ha, địa hình chia cắt, phức tạp, hệ sinh thái vô cùng phong phú, nhiều loài động vật, thực vật bậc cao, quý hiếm. Để bảo tồn đa dạng sinh học, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại động vật, thực vật quý hiếm.

Chỉ riêng 03 khu rừng đặc dụng là Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc có diện tích gần 30.000ha, đã có tới 1.281 loài thực vật thuộc 162 họ, 672 chi; 182 loài lan, một số loài lan là đặc hữu, chỉ phát hiện ở vùng này, đồng thời, có các loài cây gỗ quý, hiếm như nghiến, đinh, lim, trai, trúc dây, bàn tay ma, hà thủ ô... Đây là khu vực được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là những trung tâm đa dạng và đặc hữu cao nhất về sinh học không chỉ của Việt Nam mà còn của cả toàn vùng Đông Nam Á. Khu hệ động vật rất phong phú với 81 loài thú, 27 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 322 loài chim, 106 loài cá, 553 loài côn trùng và nhện. Trong đó có nhiều loài có giá trị, quý hiếm đã được Việt Nam và quốc tế ghi vào Sách đỏ. Ngoài ra, còn có hơn 80.000ha rừng phòng hộ, tự nhiên đa dạng về động vật, thực vật… cần được tập trung quản lý, bảo vệ.

Phòng, chống xâm hại động, thực vật quý hiếm ảnh 1
Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thả gà lôi về rừng.

Xác định công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Do vậy, lực lượng Kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành chức năng thường xuyên triển khai, quán triệt, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của ngành về công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) với nhiều cách làm phong phú, thông qua các buổi họp giao ban hằng tháng của đơn vị, các buổi sinh hoạt Chi bộ. Nội dung tập trung tuyên tuyền, phổ biến Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2018; Luật Lâm nghiệp 2017, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Từ năm 2018 đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã lập biên bản 1.533 vụ vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp, trong đó phát hiện, lập biên bản xử lý 17 vụ vi phạm về động vật rừng. Thả lại về nơi cư trú tự nhiên 209kg động vật rừng các loại. Đồng thời, tiêu hủy 40kg động vật các loại. Chuyển giao cho trung tâm cứu hộ động vật 20 cá thể chim ưng Ấn Độ. Đối với thực vật quý hiếm, lực lượng Kiểm lâm đã tịch thu 1.981m3 gỗ các loại, trong đó gỗ quý hiếm chỉ là 54,2m3; tổng các khoản thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 13,2 tỷ đồng...

Đồng thời, tập trung vận động, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học đến mọi tầng lớp nhân dân ở các khu vực có rừng tự nhiên, có nhiều loài động vật hoang dã sinh sống thông qua hội nghị tại thôn, bản; phổ biến các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định của pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh và Báo Bắc Kạn thực hiện tuyên truyền thường xuyên liên tục. Ngoài ra, đăng tải các văn bản quy định hướng dẫn trong thi hành và áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trên trang Website của Chi cục Kiểm lâm.

Chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công chức Kiểm lâm xuống cơ sở, bám nắm địa bàn được phân công, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án, kế hoạch QLBVR, thực hiện nghiêm túc các kế hoạch về tuần tra, kiểm tra thực hiện Luật Lâm nghiệp; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động nuôi động vật hoang dã; kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định quản lý động vật hoang dã…

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị tham mưu tổ chức tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở nuôi, nhốt, kinh doanh động vật hoang dã và Nhân dân trên địa bàn biết và thực hiện pháp luật quy định về quản lý động vật hoang dã. Tuyên truyền, quán triệt mọi công dân, đầu tiên là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ,quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật. Xây dựng nội dung và tổ chức ký cam kết không mua, bán, nuôi, nhốt, tiêu thụ động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp đối với các cơ sở nuôi, nhốt, kinh doanh động vật hoang dã và các quán ăn, nhà hàng có sử dụng động vật hoang dã;…  

Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về quản lý động vật, thực vật rừng hoang dã, quý được tăng cường. Quá trình, xử lý vi phạm, số động vật rừng còn sống, khỏe mạnh được thả về môi trường tự nhiên, với địa hình rừng núi có nhiều thảm thực vật, diện tích lớn để động vật đã thả có điều kiện sống cao. Số động vật thông thường bị chết và sản phẩm, bộ phận của chúng được tiêu hủy toàn bộ, việc tiêu hủy được thực hiện đảm bảo đúng quy định, không gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Thắng- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ chung tay bảo tồn, phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học; kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng động vật, thực vật hoang dã. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp, động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm...”./.

Phan Quý

Xem thêm