Không chủ quan với lũ quét, sạt lở đất

Từ đầu năm đến nay, nhiều đợt mưa to, dông lốc trên diện rộng, gây ra tình trạng sạt lở đất, đá tại nhiều địa phương trong tỉnh, vùi lấp hoa màu, nhà ở, công trình hạ tầng… ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể như đợt mưa to kèm dông lốc ở TP. Bắc Kạn, Ngân Sơn, Ba Bể, Chợ Đồn… gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Hàng trăm héc-ta lúa, ngô bị vùi lấp, ngập úng phải gieo cấy lại; nhiều diện tích bị vùi lập không thể khắc phục. Cùng với đó, nhiều vị trí sạt lở trên các tuyến đường giao thông đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Đặc biệt, nhiều khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở đang cần được khắc phục ngay…

Khắc phục sạt lở tuyến Quốc lộ 3B, đoạn qua đèo Áng Toòng (Na Rì).
Khắc phục sạt lở tuyến Quốc lộ 3B, đoạn qua đèo Áng Toòng (Na Rì).

Qua kiểm tra, rà soát trước mùa mưa bão năm 2021, thống kê của Chi cục Thủy lợi cho thấy, toàn tỉnh hiện có 319 điểm, 2.069 hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai sạt lở đất, ngập úng; nhiều hộ nằm trong vùng nguy hiểm cao. Mới đây, sau khi kiểm tra, xem xét thực tế hiện trường xảy ra sạt lở, các điểm nứt đất tại khu vực tổ nhân dân Pàn Chầu, thị trấn Yến Lạc (Na Rì), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo: “UBND huyện Na Rì khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở có thể xảy ra; bố trí ngay các biển cảnh báo nguy hiểm; cảnh báo, di dời các hộ dân phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản khu vực này; thường xuyên theo dõi diễn biến, nguy cơ sạt lở, mất an toàn để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời”.

Trên tuyến đường tỉnh 254, đoạn qua Khau Khem, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn), tình trạng sạt lở hiện rất nghiêm trọng. Hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở vùi lấp mặt đường. Các lực lượng quản lý đường bộ đã nỗ lực thông xe, tuy nhiên phía taluy dương vẫn có khối lượng lớn đất đá tiếp tục sạt xuống. Các tuyến đường tỉnh 258B (thuộc huyện Pác Nặm), Quốc lộ 3B đoạn qua đèo Áng Toòng cũng liên tục sạt lở…

Hiện nay là giai đoạn giữa mùa mưa, thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo mưa bão vẫn tiếp tục xảy ra. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét và sạt lở đất.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, mới đây, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh có văn bản đề nghị: Các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát nhà ở, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ sinh sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Triển khai các phương án phòng, chống lũ quét, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ”, đảm bảo kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra... Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng các bản tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa lũ đến chính quyền các cấp ở địa phương và người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa biết để chủ động phòng tránh.

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do sạt lở đất, đá, đồng chí Đới Văn Thiều- Quyền Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: "Các địa phương cần có tổ xung kích thường xuyên quan trắc, kịp thời phát hiện dấu hiệu sạt lở đất, xác định rõ khu vực trọng điểm để chủ động phòng, chống. Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, chủ động phòng, chống sạt lở đất, lũ quét và tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương"./.

Phan Quý

Xem thêm