Hiệu quả dự án “Phát triển nhờ tham gia và sở hữu cộng đồng”

Dự án “Phát triển nhờ tham gia và sở hữu cộng đồng” do Tổ chức Bánh mì cho Thế giới (BfdW) – Cộng hòa liên bang Đức tài trợ được triển khai tại huyện Ngân Sơn bước đầu mang lại hiệu quả, từ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đến thay đổi tư duy về sản xuất cho bà con nông dân.

Đường nội thôn Bản Tặc, xã Đức Vân được bê tông hóa tạo thuận lợi cho bà con đi lại, sản xuất.
Đường nội thôn Bản Tặc, xã Đức Vân được bê tông hóa tạo thuận lợi cho bà con đi lại, sản xuất.

Tuyến đường nội thôn Bản Tặc, xã Đức Vân trước đây là đường đất nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa. Cuối năm 2020, từ 80 triệu đồng hỗ trợ mua vật liệu xây dựng của dự án, bà con trong thôn đối ứng ngày công lao động, giải phóng mặt bằng để bê tông hóa con đường rộng 2,5m và dài hơn 130m. Nhờ đó tạo thuận lợi cho bà con đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản và góp phần tạo sự khang trang cho diện mạo của thôn.

Đối với thôn Bản Đăm, việc trồng rau nhà lưới vốn là cách làm mới mẻ nhưng từ khi có sự hỗ trợ từ dự án, bà con trong thôn họp bàn công khai, lấy nhu cầu của các hộ dân để đối ứng xây dựng nhà lưới, thành lập nhóm nông dân sở thích trồng rau. Với 10 thành viên, Nhóm nông dân sở thích trồng rau Bản Đăm đã được thu hoạch một vụ, vừa thực hành trực tiếp và tập huấn kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc” đã mở hướng cho các hộ tham gia duy trì, phát triển mô hình trồng rau để nâng cao thu nhập, thu hút thêm thành viên. Chị Triệu Thị Dự- thành viên trong Nhóm chia sẻ: "Trước đây tôi chủ yếu trồng rau vụ đông, bán lẻ tại chợ phiên nhưng khi tham gia nhóm sở thích đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, thay đổi tư duy sản xuất. Việc trồng rau nhà lưới có thể trồng trái vụ, ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn, hạn chế được sâu bệnh, trồng luân phiên nhiều loại để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, tham gia dự án chúng tôi còn được tiếp cận các thông tin về bình đẳng giới, kỹ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông…".

Dự án “Phát triển nhờ tham gia và sở hữu cộng đồng” được triển khai tại 6/8 thôn của xã Đức Vân đã góp phần giúp địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc hỗ trợ cải thiện đường điện thắp sáng đường quê, đường giao thông nông thôn, sân nhà văn hóa, hệ thống nước sinh hoạt…, Dự án hỗ trợ thành lập 5 nhóm nông dân sở thích như trồng rau an toàn, nuôi nhím, lợn đen, gà với hơn 50 thành viên nòng cốt. Các hộ dân được hỗ trợ vật tư xây dựng chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nâng cao năng lực hoạt động và quản lý nhóm.

Dự án này được triển khai trong thời gian 36 tháng (01/7/2020 – 30/6/2023) tại 18 thôn của 03 xã (Cốc Đán,Thượng Ân và Đức Vân), tập trung thực hiện 02 hạng mục chính gồm: Tiểu dự án cơ sở hạ tầng và nhóm sản xuất. Qua hơn một năm thực hiện, Dự án đã tổ chức hoạt động nâng cao năng lực cho nhóm nòng cốt về quản lý cộng đồng với 121 thành viên; thành lập 23 nhóm cộng đồng 140 thành viên. Tiểu dự án cơ sở hạ tầng đã xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng 23 công trình như: 2.448m đường bê tông (rộng từ 1m đến 2,5m); xây mới và sửa chữa 02 nhà văn hóa; 1.000m sân chơi cộng đồng, thể thao; 03 bể chứa nước và 6.500m đường ống nước tưới, sinh hoạt; 1.500m đường điện chiếu sáng, điện sinh hoạt...

Phát huy thế mạnh từng vùng và trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của người dân, Dự án hỗ trợ 17 nhóm nông dân sở thích với 186 thành viên, trong đó 50% hộ nghèo, cận nghèo (6 nhóm sản xuất lúa Khẩu Nua Lếch và cốm; 5 nhóm chăn nuôi lợn; 02 nhóm nấm hương; 02 nhóm chăn nuôi gà; 01 nhóm rau; 01 nhóm nuôi dúi). Người dân được nâng cao năng lực về nông nghiệp bền vững như ủ phân vi sinh, làm thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, ủ thức ăn chăn nuôi vi sinh; quản lý tổ nhóm và hạch toán kinh tế hộ; thực hiện tự quản áp dụng theo phương pháp quản lý cộng đồng.

Trong thời gian 3 năm triển khai tại huyện Ngân Sơn, Dự án đặt ra mục tiêu năng lực tự quản của cộng đồng địa phương được cải thiện trong việc giải quyết các vấn đề phát triển; phấn đấu có ít nhất 65 dự án phát triển quy mô nhỏ được tự quản thành công bởi các cộng đồng; các mô hình nông nghiệp được vận hành bởi các nhóm nông dân sở thích áp dụng quản lý cộng đồng tạo ra thu nhập trung bình tăng 15% cho 150 hộ thành viên; đến cuối năm thứ 2 của Dự án, 8 nhóm nông dân sở thích phát triển thành các tổ hợp tác được Nhà nước chứng nhận.

Có thể thấy, sự hỗ trợ từ Dự án “Phát triển nhờ tham gia và sở hữu cộng đồng” đã và đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất không chỉ cho từng hộ dân mà từng bước thay đổi tư duy của cộng đồng theo hướng tích cực. Những nông dân này cũng chính là lực lượng nòng cốt thúc đẩy các phong trào của địa phương phát triển, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn./.

Hà Nhung

Xem thêm