Khoa giáo:

Nhiều kết quả trong công tác gia đình

Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về công tác gia đình, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động theo hướng từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng.

Ban Chỉ đạo phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, tập huấn để nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác gia đình và cán bộ cơ sở. Cùng với đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động thuộc lĩnh vực công tác gia đình. Cụ thể, riêng năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài Phát thanh & Truyền hình Bắc Kạn thực hiện chương trình tọa đàm nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); thực hiện kịch tiểu phẩm tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình phát trên sóng truyền hình và in đĩa DVD cấp phát cho các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Tổ chức biên soạn, in và phát hành tờ gấp tuyên truyền về Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) với nội dung tuyên truyền các nội dung về tiêu chí ứng xử trong gia đình để cấp phát cho các xã, phường, thị trấn, các hộ dân.

<span style="font-size:14.0pt"><span style="line-height:115%"><span style="font-family:&quot;Times New Roman&quot;,&quot;serif&quot;">Hoạt động tuyên truyền liên quan đến công tác gia đình nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành.</span></span></span>
Hoạt động tuyên truyền liên quan đến công tác gia đình có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với UBND huyện Chợ Đồn tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, các di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực văn hóa của địa phương. Triển khai thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Quang Thuận (Bạch Thông). Cùng với đó, tổ chức hội nghị tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020 tại huyện Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn; tổ chức hội nghị tuyên truyền "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam" năm 2020 tại Bạch Thông; tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn".

Trong tháng 12/2020, Ban Chỉ đạo phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã tổ chức 07 đoàn công tác kiểm tra hoạt động văn hóa tại 07 xã, gồm: Yên Cư (Chợ Mới); Nghĩa Tá (Chợ Đồn); Vi Hương (Bạch Thông); Nam Mẫu (Ba Bể); Liêm Thủy (Na Rì); Cốc Đán (Ngân Sơn) và xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn).

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh triển khai nhân rộng được 24 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua các hoạt động hỗ trợ về phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình... đã kịp thời can thiệp, xử lý nhiều vụ việc phát sinh trong thực tế.

Cùng với đó, các sở, ngành triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình...

Mặt khác, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện. Quá trình thực hiện phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết thúc năm 2020, toàn tỉnh có 88,3% hộ được công nhận "Gia đình văn hóa". Hiệu quả rõ nhất của phong trào là góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế ổn định và bền vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao; các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, phát huy; quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng chặt chẽ hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện trong thực tế cũng có những hạn chế, như: Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng, công tác tuyên truyền tại các địa phương, cơ sở còn nhiều khó khăn, hạn chế do không có nguồn kinh phí và thiếu nhân lực triển khai thực hiện. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên việc tổ chức các hoạt động theo kế hoạch phải chuyển nhiệm vụ cho phù hợp, tổ chức với quy mô nhỏ, kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch giao. Việc nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương gặp khó khăn do các địa phương không bảo đảm được nguồn kinh phí.

Để góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược gia đình Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc thực thi và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, chú ý vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, động viên toàn dân tự giác tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên ngành, liên ngành về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nhân rộng mô hình tốt, tiếp tục xây dựng mô hình mới về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường thông tin, tuyên truyền và chia sẻ bài học kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước về công tác gia đình.../.

Hoàng Vũ

Xem thêm