Chợ Đồn sau 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Bài 1: Dân vận khéo từ những cách làm thiết thực

Thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 14/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”, thời gian qua Đảng bộ huyện Chợ Đồn đã có những cách làm thiết thực, phù hợp, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của Nhân dân.

Bài 1: Dân vận khéo từ những cách làm thiết thực ảnh 1
Mô hình “dưa xen lúa” ở xã Nghĩa Tá hiện đã được nhân rộng lên 6ha, đây là kết quả của quá trình dân vận khéo tại cơ sở.

Khéo vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cứ đến tháng 5 hằng năm, nhiều thửa ruộng ở xã Nghĩa Tá lại bước vào đợt thu hoạch dưa hấu, dưa lê. Những ruộng dưa sai quả xen với cánh đồng lúa đang chín rộ chính là thành quả từ việc lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Tá đã triển khai. Nhận thấy cây dưa phù hợp với đồng đất địa phương, năm 2016 Hội Nông dân xã Nghĩa Tá đã đăng ký mô hình dân vận khéo là “Lúa xen dưa”. Để triển khai đạt kết quả, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên các chi hội lựa chọn quỹ đất, sử dụng giống dưa chất lượng, năng suất cao vào canh tác. Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, thu hoạch dưa cho hội viên. Năm đầu tiên thực hiện, toàn xã chỉ trồng được 2,5ha với 50 hội viên tham gia. Đến năm 2020 con số này đã tăng lên 6ha với 164 hộ tham gia, năng suất đạt 150 tạ/ha, giá trị thu về hơn 100 triệu đồng/ha. Với kết quả đó, mô hình trồng lúa xen dưa đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tiếp tục được duy trì đến vụ xuân hè năm 2021. Hội Nông dân xã Nghĩa Tá đã vinh dự được Ban Dân vận Trung ương công nhận là mô hình “Dân vận khéo”.

Đồng chí Hoàng Thị Duyên- Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Tá cho biết: "Việc triển khai dân vận khéo được xã thực hiện từ nhiều năm trước đây, tuy nhiên đến khi có Đề án số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn đã thực sự lan rộng và đi vào nền nếp, quá trình tổ chức thực hiện cũng bài bản hơn. Để khuyến khích phong trào, hằng năm xã đều tổ chức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân, những người làm tốt công tác vận động, những hộ tự nguyện hiến đất, hộ tích cực trong lao động, sản xuất… từ đó góp phần lan tỏa giá trị của phong trào trong đời sống Nhân dân”.

Hiện, trên địa bàn huyện có các mô hình điển hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế như: Mô hình xen canh “ốc-cá-lúa” ở xã Nghĩa Tá cho thu nhập 50 triệu đồng/năm; mô hình vận động người dân trồng, chăm sóc và khai thác cây lá dong của hội viên cựu chiến binh Chu Viết Hòa ở thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá với diện tích 5ha; ông Hoàng Ngọc Nhâm, thôn Nà Lếch, xã Bằng Lãng với mô hình trồng cây lúa nếp cái; hộ ông Nông Văn Duyến, hội viên nông dân tổ 17, thị trấn Bằng Lũng với mô hình khéo vận động Nhân dân chăn nuôi gia súc.

Khéo vận động xây dựng nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới, vai trò của dân vận lại càng được thể hiện rõ nét. Nhiều địa phương lâu nay thường gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng, vận động việc hiến đất hay huy động kinh phí đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước thực tiễn đó, công tác dân vận được huyện Chợ Đồn tăng cường chỉ đạo và xác định phải đi trước một bước. Huyện ưu tiên nhiệm vụ tuyên truyền, phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể, người có uy tín tại cơ sở. Sau 3 năm thực hiện đã có nhiều địa phương làm tốt công tác dân vận, tạo sự chuyển biến rõ nét trên các mặt của đời sống nhân dân, trong đó điển hình là phong trào xây dựng nông thôn mới.

Nhà văn hóa thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng được xây dựng từ một phần đóng góp của Nhân dân.
Nhà văn hóa thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng được xây dựng từ một phần đóng góp của Nhân dân.

Thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng là một trong những thôn đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2018 - 2020, chi bộ thôn đã vận động Nhân dân đóng góp xây dựng được tuyến kênh mương Nà Lẹng, Cốc Đứa với chiều dài hơn 600m; huy động 135 triệu đồng làm được 01 nhà văn hóa thôn rộng hơn 100m2, 01 sân bê tông rộng 260m2; vận động người dân hiến được 560m2 đất để làm đường giao thông.

Chị Triệu Thị Miền- Bí thư Chi bộ thôn Nà Duồng cho hay: “Khi triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã lập kế hoạch, họp dân, bàn bạc về các phương án tổ chức thực hiện, nhất là các khoản đóng góp. Làm tới đâu chúng tôi công khai tới đó, người dân là chủ thể tham gia vào việc kiểm tra, giám sát, thực hiện, nhờ vậy bà con đều rất ủng hộ, các công trình đều đảm bảo chất lượng”. Chị Miền cho rằng, thôn gặp khó nhất trong việc làm kênh mương do không có chỗ đổ vật liệu xây dựng. Tuy nhiên qua vận động đã có hộ dân tình nguyện bỏ một vụ lúa để lấy mặt bằng cho thôn làm nơi tập kết vật liệu. Bên cạnh đó còn nhiều hộ dân tự nguyện nhường một phần diện tích bờ ruộng để làm lối đi lại trong thời gian xây dựng kênh mương. Với sự đồng thuận cao của Nhân dân, năm qua Chi bộ Nà Duồng vinh dự được công nhận là mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh.

Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều cá nhân tự nguyện, sẵn sàng hiến đất để cùng Nhà nước hoàn thành các công trình nông thôn. Có thể kể đến như hộ ông Lý Tiến Kim ở thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá hiến 5.000m2 đất đồi để làm đường giao thông nông thôn; các hộ ông Ma Văn Thái, Ma Văn Thụy ở thôn Nà Khằn, xã Nghĩa Tá hiến gần 4.000m2 đất rừng, ruộng; hộ ông Nguyễn Văn Định, cán bộ hưu trí ở thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá hiến 200m2 đất ruộng để làm đường giao thông liên thôn…/.

(Còn nữa)

Thu Trang

Xem thêm