Chính sách dân tộc:

Thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín

Là lực lượng nòng cốt, "cầu nối" quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân nên các cấp, ngành chức năng trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn. Qua đó, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy vai trò tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Hiện toàn tỉnh có 1.305 người uy tín ở các thôn, bản với thành phần đa dạng như cán bộ nghỉ hưu, chức sắc, trưởng thôn, bí thư chi bộ... Thực tế cho thấy, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn là "cầu nối" quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động nhằm phát huy các giá trị tốt đẹp, bài trừ những hủ tục lạc hậu. Đồng thời, đóng góp tích cực trong vận động Nhân dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua trên tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh thăm, hỗ trợ gia đình ông Ma Phúc Ninh, thôn Bản Mới, xã Bình Văn (Chợ Mới) bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh thăm, hỗ trợ gia đình ông Ma Phúc Ninh, thôn Bản Mới, xã Bình Văn (Chợ Mới) bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai.

Vì thế, để phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách theo quy định. Ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá và bầu bổ sung đội ngũ người có uy tín hằng năm; phối hợp với Sở Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác khen thưởng đối với người có uy tín. Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chính sách, kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín, kế hoạch tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm...

Là tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh hầu hết phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Trong giai đoạn 2011 - 2021, tổng kinh phí thực hiện chính sách người có uy tín là hơn 22,8 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này chủ yếu được dùng để đặt mua báo (Báo Bắc Kạn, Báo Dân tộc và Phát triển) và thăm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ gia đình người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai... Hiện nay, người có uy tín trên địa bàn tỉnh được cấp phát 02 loại báo (Báo Bắc Kạn; Báo Dân tộc và phát triển) theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Để việc tổ chức được kịp thời, UBND tỉnh đã phân cấp cho UBND các huyện, thành phố tổ chức thăm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán. Việc thăm, hỗ trợ vật chất khi người có uy tín ốm nằm viện và thăm viếng khi người có uy tín hoặc thân nhân qua đời cũng được thực hiện đầy đủ theo quy định. Từ năm 2012 đến tháng 4/2021 đã tổ chức thăm gần 1.000 lượt người có uy tín ốm nằm điều trị tại bệnh viện và thăm viếng 198 người uy tín và thân nhân người có uy tín qua đời. Thực hiện thăm, hỗ trợ 97 gia đình người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai.

Định kỳ, Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt, biểu dương người có uy tín, trưởng thôn tiêu biểu ở khu dân cư (02 năm/lần). Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng tỉnh hướng dẫn các địa phương tổ chức bình xét, khen thưởng đối với người có uy tín. Kết quả, giai đoạn 2012 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 159 người có uy tín và UBND các huyện, thành phố tặng Giấy khen cho 953 người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Qua đó kịp thời biểu dương, tôn vinh những đóng góp của các cá nhân người có uy tín, trưởng thôn có thành tích tiêu biểu, xuất sắc.

Theo ông Vi Văn Nàm- Người có uy tín ở thôn Khuổi Chang, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn), thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh. Điều này là động lực để cá nhân ông tiếp tục phát huy vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, ra sức thi đua phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy các truyền thống tốt đẹp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.

Cùng với triển khai đồng bộ các chính sách đối với người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức được gần 50 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hơn 3.300 lượt người có uy tín. Tại các huyện, tổ chức được 27 lớp tập huấn cho hơn 1.200 lượt người có uy tín. Tỉnh đã tổ chức được 15 đoàn tham quan ngoài tỉnh cho hơn 620 người có uy tín tiêu biểu. Tại cấp tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức đón tiếp 24 đoàn với 1.032 người uy tín thuộc các địa phương đến tham quan trong tỉnh về mô hình phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới... Qua đánh giá, việc tổ chức tham quan cho người có uy tín được thực hiện thiết thực, hiệu quả.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tích cực trong việc tham gia củng cố hệ thống chính trị, chính quyền ở cơ sở. Đồng thời, có ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với nơi mình sinh sống, thực sự là nòng cốt tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với người dân địa phương. Hoạt động và đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Hoàng Vũ

Xem thêm