Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6):

Chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Xác định tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và giáo dục trẻ em, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh luôn có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh.

<span style="font-size:14.0pt"><span style="line-height:115%"><span style="font-family:&quot;Times New Roman&quot;,&quot;serif&quot;">Thư viện tỉnh Bắc Kạn tích cực phục vụ lưu động tại các trường học, giúp học sinh có điều kiện tiếp cận với sách nhiều hơn.</span></span></span>
Thư viện tỉnh Bắc Kạn tích cực phục vụ lưu động tại các trường học.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 77.000 trẻ em, chiếm khoảng 24% dân số. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về trẻ em, đồng thời cũng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đáng chú ý là Kế hoạch số 66/KH-UB ngày 18/02/2019 về thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2019 - 2025; Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 18/02/2019 về thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2019 - 2025; Quyết định số 1377/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch số 449/KH-UBND ngày 30/7/2020 thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em…

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội để nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thực hiện các quyền của trẻ em. Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện, xã và cộng tác viên; tập huấn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em nội dung chủ yếu của các văn bản pháp luật liên quan tới trẻ em (Luật Trẻ em năm 2016; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em) và triển khai các kế hoạch, đề án liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em… Tham mưu UBND tỉnh tổ chức được 08 "Diễn đàn trẻ em tỉnh Bắc Kạn". Qua đó góp phần kêu gọi sự quan tâm, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhà trường và toàn xã hội về thực hiện quyền trẻ em, truyền tải các thông điệp khuyến nghị của trẻ em đến lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, các địa phương; trang bị cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh bạo lực, xâm hại, phòng tránh tai nạn thương tích, các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT Chợ Đồn với trò chơi truyền thống.
Học sinh Trường Phổ thông DTNT Chợ Đồn với trò chơi truyền thống.

Các sở, ngành cũng căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống hoặc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về thực hiện quyền trẻ em. Từ năm 2012 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hơn 200 các chiến dịch, sự kiện, hoạt động với gần 70.000 lượt người tham dự. Các nội dung được tổ chức như: Triển khai Đề án "Tuyên truyền đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam"; hội nghị tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; các hoạt động tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); hoạt động đưa thông tin về cơ sở; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhân dịp hè cho thiếu nhi... Thực hiện gần 1.000 buổi phim hoạt hình Việt Nam phục vụ các em nhỏ vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức các giải thể thao cho thanh thiếu niên và nhi đồng.

Chính vì thế, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ làm công tác bảo vệ, trẻ em, cộng đồng ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với trẻ em. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho trẻ em như trợ cấp theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ; làm tốt việc đăng ký khai sinh cho trẻ em và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì; chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông, đào tạo học sinh giỏi tiếp tục được đầu tư. Các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ... được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, nhất là trong dịp hè và các ngày lễ, tết trong năm.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của Trung ương, để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tỉnh đã chủ động ban hành chính sách để hỗ trợ cho những mục tiêu vì trẻ em. Ngày 17/7/2020, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, trong đó quy định người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng. Điều này đã tạo điều kiện để UBND cấp xã bố trí người thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác trẻ em.

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 và nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, cùng với các hoạt động khác, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 291/KH-UBND ngày 26/5/2021, tổ chức các đoàn công tác đi thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại một số địa phương, như: Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông, Ngân Sơn cùng 2 đơn vị là Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Kạn và Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Bắc Kạn.

Thực tế cho thấy, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, được bảo đảm các quyền cơ bản. Tuy vậy, do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số địa phương chưa thực sự được coi trọng; hiểu biết về pháp luật và tự bảo vệ trẻ em của một số bộ phận người dân còn thấp nên tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra. Công chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cấp huyện, thành phố và cấp xã kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau nên hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế.

Trẻ em ngày càng được quan tâm chăm sóc, giáo dục trong điều kiện tốt hơn.
Trẻ em ngày càng được quan tâm chăm sóc, giáo dục trong điều kiện tốt hơn.

Chăm lo cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của cả cộng đồng, do vậy, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành để trẻ em phát triển toàn diện, khỏe mạnh, an toàn. Từ kết quả đạt được, để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đòi hỏi tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm Luật Trẻ em; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em; bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp.../.

Hoàng Vũ

Xem thêm