Việt Nam tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương

Với mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích, nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương, Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương đã chính thức được phê duyệt và ban hành.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: vasi.gov.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: vasi.gov.vn)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Theo đó, các mục tiêu cụ thể bao gồm: Chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực của đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác đàm phán, tổng hợp thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế làm cơ sở cho việc xây dựng các phương án đàm phán, bố trí đầy đủ nguồn lực về tài chính, phương tiện cho công tác chuẩn bị đàm phán; Thiết lập được cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong suốt quá trình chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận; Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia đối với khu vực và quốc tế trong các nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Thỏa thuận.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra 06 nhóm nhiệm vụ chính:  Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán; Thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu; Bố trí nguồn lực về tài chính, phương tiện cho công tác chuẩn bị đàm phán; Thiết lập cơ chế điều phối; Huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế; Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia.

Quyết định cũng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương làm cơ sở xây dựng lập trường của ta trong đàm phán Thỏa thuận. Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan rà soát, tổng hợp, đánh giá các quy định pháp luật trong nước và các thỏa thuận quốc tế về quản lý chất thải và rác thải nhựa đại dương để chuẩn bị cho việc tham gia Thỏa thuận. Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng đàm phán cho các Bộ, ngành liên quan.

Đồng thời, thực hiện thủ tục đề xuất đàm phán, ký kết Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương sau khi xác định được tên gọi, thẩm quyền và danh nghĩa đàm phán, ký kết, cũng như các nội dung cơ bản của Thỏa thuận, theo đúng quy định của Luật Điều ước quốc tế và Luật Thỏa thuận quốc tế.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường vận động các quốc gia, các tổ chức quốc tế ủng hộ quan điểm của ta và các nội dung mà ta có lợi ích trong quá trình xây dựng Thỏa thuận.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, địa phương liên quan có trách nhiệm cử cán bộ tham gia thực hiện Đề án; cung cấp thông tin, dữ liệu về hiện trạng quản lý nhựa và rác thải nhựa trong lĩnh vực mình phụ trách.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương; tham gia góp ý các nội dung để xây dựng Thỏa thuận theo chức năng, nhiệm vụ./.

Theo dangcongsan.vn

Xem thêm