Liên kết vùng trong phát triển du lịch

Sau hai năm thực hiện ký kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng UBND các tỉnh vùng Đông Bắc gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh, thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch..

Các đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh và 08 tỉnh Đông Bắc trong Nhóm liên kết phát triển du lịch tìm hiểu các thông tin du lịch
Các đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh và 08 tỉnh Đông Bắc trong Nhóm liên kết phát triển du lịch tìm hiểu các thông tin du lịch

Trong năm 2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Đông Bắc đã tích cực triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch; chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm phát triển du lịch; xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch liên kết giữa các tỉnh/thành; xác định các giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú đã thu hút và tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách tại các địa phương.

Thông qua chương trình liên kết, dưới sự giúp đỡ, quan tâm, tạo điều kiện của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các tỉnh vùng Đông Bắc đã có những chuyển biến tích cực và thu được kết quả đáng mừng, công tác phát triển du lịch có nhiều đổi mới và phát triển; các dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đưa thương hiệu du lịch vùng Đông Bắc đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. 

Năm 2022 vai trò là đơn vị Trưởng nhóm liên kết, tỉnh Bắc Kạn đã chủ động phối hợp với các địa phương ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết phát triển du lịch năm 2022 một cách phù hợp với tình hình dịch bệnh, trong đó đã tập chung vào các nội dung hợp tác gồm: Tổ chức các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng; quản lý nhà nước, trao đổi thông tin...

Qua thống kê, năm 2022, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 9 tỉnh thành trong chương trình liên kết đạt 52.712 triệu lượt (trong đó có 2.358 triệu lượt khách du lịch quốc tế), thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 141.388 tỷ đồng. Kết quả này đã thể hiện rõ sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của 9 tỉnh thành phố tham gia chương trình liên kết trong việc chung tay xây dựng, phục hồi du lịch Việt Nam.

Các hoạt động hợp tác liên kết được tổ chức theo kế hoạch bao gồm: Hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin công tác quản lý nhà nước về du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch;  phát  triển sản phẩm du lịch. Là trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng lớn trong công tác quảng bá, phát triển du lịch ở tỉnh thành khác. Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 08 tỉnh Đông Bắc thường xuyên đăng thông tin về du lịch của các địa phương trên các kênh thông tin do đơn vị quản lý; cung cấp hình ảnh điểm đến du lịch 08 tỉnh để Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh sử dụng và xây dựng phim giới thiệu du lịch 8 tỉnh. Đồng thời đề xuất Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tham gia các đoàn khảo sát chương trình tour, tuyến du lịch mới tại 8 tỉnh Đông Bắc mở rộng trên kênh của Đài truyền hình thành phố.

Sản phẩm quà tặng du lịch của Bắc Kạn thu hút sự quan tâm của các đại biểu
Sản phẩm quà tặng du lịch của Bắc Kạn thu hút sự quan tâm của các đại biểu
 

Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Đông Bắc tham gia và quảng bá du lịch của các địa phương trong Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022 (từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 5 năm 2022) với chủ đề “ Sống động từng trải nghiệm”. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của 48 tỉnh, thành trong cả nước có sự tham gia của các 05 tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) và 160 gian hàng dịch vụ du lịch và ẩm thực với hàng ngàn sản phẩm du lịch hấp dẫn của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không, điểm tham quan khắp cả nước, doanh thu bán hàng qua 04 ngày hoạt động ước đạt được gần 60 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2020. Tổng số khách đến tham quan hội chợ ước đạt hơn 150.000 người.

Trong năm các tỉnh phối hợp nghiên cứu xây dựng thêm sản phẩm tour du lịch mới. Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 09 doanh nghiệp trong Nhóm liên kết đẩy mạnh truyền thông quảng bá và khai thác 02 chương trình du lịch liên vùng đặc sắc đã xây dựng từ năm 2020, bao gồm: Hành trình gió núi – Mây ngàn Đông Bắc (bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh – Bắc Giang – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Vĩnh Phúc);  Tinh hoa Đông Bắc (bao gồm các tỉnh: Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Lạng Sơn – Quảng Ninh) .

Các tỉnh Đông Bắc thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của địa phương phù hợp với nhu cầu của thị trường và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh như du lịch biên giới, văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng. Hỗ trợ liên kết trưng bày giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP 8 tỉnh Đông Bắc đến thị trường TP. Hồ Chí Minh thông qua các chuỗi cung ứng bán lẻ, hệ thống các siêu thị, khu, điểm du lịch.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: “Liên kết là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động du lịch, rất cần thiết, có ý nghĩa thúc đẩy các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển, giúp cho các địa phương trong vùng có thể bổ sung các sản phẩm dịch vụ cho nhau để hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút khách du lịch, tạo sức mạnh cho việc quảng bá chung điểm đến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch. Một trong những điểm yếu trong liên kết ở các địa phương vùng Đông Bắc đó là vẫn còn lúng túng làm sao liên kết đi vào thực chất để hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau phát triển.

Một số gợi ý đưa ra là: Cần bàn sâu bằng các chủ đề, chuyên đề, dựa trên lợi thế của từng địa phương như vấn đề du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến của vùng, bàn về xúc tiến đầu tư du lịch bởi du lịch vùng Đông Bắc cũng như Tây Bắc có tiềm năng dư địa rất lớn như là “kho báu” của du lịch Việt Nam, nhưng việc khai thác mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Các địa phương trong vùng phải có chính sách, cơ chế thu hút đầu tư hết sức cụ thể, lập các danh mục dự án đầu tư, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp. Có thể tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch vùng Đông Bắc, trong đó có Bắc Kạn để giới thiệu các tiềm năng lợi thế và các dự án  du lịch, có thể mời lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành tham gia, đại sứ quán các nước. Bắc Kạn hoàn toàn có thể đăng cai để tổ chức hội nghị như thế này”

Có thể đánh giá hoạt động liên kết phát triển du lịch của 8 tỉnh Đông Bắc và TP Hồ Chí Minh phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, phù hợp với định hướng liên kết vùng trong phát triển KTXH của mỗi địa phương. Hoạt động này tiếp tục được duy trì, phát triển, thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm để có những hoạt động liên kết hợp tác hiệu quả cao hơn.

Phương Thảo

Xem thêm