Đặc sắc điệu múa bát của người Tày Bắc Kạn

Múa bát hay còn gọi là "múa pát" của người Tày Bắc Kạn vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, sẽ được tổ chức công bố tại sự kiện "Tuần lễ du lịch - Di sản văn hóa Ba Bể năm 2022” diễn ra từ ngày 03-06/6 tại Khu du lịch Ba Bể. 

Múa bát là điệu múa cổ của người Tày được hình thành trong quá trình lao động sản xuất từ lâu đời. Điệu múa bát có liên quan đến nghề dệt vải truyền thống của người Tày. Đây là nghệ thuật trình diễn dân gian quan trọng trong dịp Tết, lễ hội truyền thống hằng năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập đã liên kết, kết nối những người đam mê, yêu thích múa bát với nhau để tổ chức giao lưu, sinh hoạt phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở, các phiên chợ, lễ hội, phục vụ khách du lịch tại địa phương… Điều đó đã tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật này tiếp tục duy trì và có cơ hội phát triển trong đời sống hiện đại.

Múa Bát là nghệ thuật trình diễn dân gian được các thế hệ người dân tộc Tày ở Bắc Kạn bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy
Múa bát là nghệ thuật trình diễn dân gian được các thế hệ người dân tộc Tày ở Bắc Kạn bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy.

Múa bát của người Tày Bắc Kạn có những nét khá đặc sắc: Trang phục biểu diễn múa bát gồm áo dài, áo ngắn, váy (hoặc quần), thắt lưng, khăn vuông quấn đầu. Bộ trang phục nữ giới có màu chàm, được làm bằng vải dệt từ sợi bông. Cắt may trang phục đơn giản, không thêu thùa hoa văn. Nhạc cụ chính của múa bát là chiếc bát và đôi đũa. Múa bát ở tư thế ngồi hoặc đứng, hai người đối diện nhau hai tay cầm bát. Bát để giữa lòng bàn tay, cổ tay xoáy một vòng trước bụng đưa lên trên đỉnh đầu vòng ra phía sau, rồi từ từ hạ xuống trả về vị trí ban đầu và ngược lại đổi tay. Múa bát ở tư thế đứng thẳng, hai tay cầm bát kẹp theo chiếc đũa gõ theo nhịp từ trước bụng hất chéo qua cạnh sườn về đằng sau và hất trở lại vị trí ban đầu để đổi bên. Hoặc múa một tay đưa lên cao, một tay xuống thấp ngang cạnh sườn.

Đây là một điệu múa đặc sắc được tỉnh Bắc Kạn cũng như các thế hệ người Tày lưu giữ và bảo tồn bằng hình thức truyền miệng và truyền dạy trực tiếp nhưng cho đến nay các động tác múa vẫn gần như mang tính thống nhất, ít dị bản. Nhiều động tác múa mang ý nghĩa mô phỏng lại các động tác ươm tơ thủ công của bà con từ ngàn xưa, các hoạt động vật chất, sinh hoạt tinh thần hay lễ mừng cơm mới của đồng bào Tày.

Múa bát đã tồn tại suốt bao đời nay, gắn bó máu thịt và trở thành tài sản tinh thần quý giá, một phần không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Với nhịp điệu vừa vui nhộn, vừa say đắm, múa bát không đơn thuần mang tính giải trí mà còn góp phần cổ vũ, động viên tinh thần của Nhân dân tiếp tục hăng say lao động, sản xuất, duy trì nghề truyền thống để dệt nên những vuông thổ cẩm làm đẹp cho đời.

Bà Hoàng Thị Nhậm, dân tộc Tày ở thôn Nà Vài, xã Quang Thuận (Bạch Thông) năm nay 70 tuổi, bà đã thực hành di sản múa bát từ khi mới 20 tuổi. Điệu múa bát đã gắn bó với bà cũng như một số phụ nữ trong vùng và tiếp tục được truyền dạy cho các thế hệ thanh niên sau này. Múa bát được biểu diễn trong các buổi sinh hoạt tập thể của cộng đồng, là niềm tự hào của bà cũng như các thành viên khác trong cộng đồng.

Chị Nông Thu Biến, sinh năm 1992 ở thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu (Ba Bể) dù tuổi còn trẻ nhưng rất đam mê điệu múa bát của dân tộc mình. Cách đây 5 năm, chị đã học và thực hành di sản múa bát. Chị và các thành viên khác trong thôn thường xuyên luyện tập, biểu diễn trong những dịp lễ, Tết, sinh hoạt cộng đồng hoặc phục vụ khách du lịch.

Việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận múa bát của người Tày Bắc Kạn là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực bền bỉ của chính quyền các cấp và Nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Đây thực sự là phần thưởng xứng đáng cho những nghệ nhân người Tày Bắc Kạn đã có công gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc./.

Phương Thảo

Xem thêm