Chợ Đồn lưu giữ và phát huy di sản hát Then - đàn Tính

Huyện Chợ Đồn có 7 dân tộc, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 70% số dân toàn huyện. Tuy xã hội ngày càng hiện đại nhưng đồng bào Tày ở nơi đây vẫn đang lưu giữ và phát huy nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc, điển hình là di sản hát Then - đàn Tính.

Ông Ma Kim Ly ở thôn Che Ngù, xã Yên Thượng là nghệ nhân Then Tày của huyện Chợ Đồn. Ông là một trong số ít những gương mặt của tỉnh Bắc Kạn hiện nay có thể sáng tác và hát Then bằng tiếng dân tộc Tày. Các tác phẩm thơ Tày, hoạt cảnh, độc tấu mà ông sáng tác phản ánh một cách rõ nét, chân thực và mang đậm giá trị nhân văn về đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày. Với tài năng của mình, ông đã từng vinh dự được ghi nhận là một trong những gương mặt tiêu biểu trong tập sách gương mặt các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số xuất bản năm 1997 và nhận được nhiều giấy khen, bằng khen trong hoạt động văn hóa. 

Ông Ma Kim Ly chia sẻ: “Tôi viết những bài Then, bài thơ xuất phát từ tình yêu dân ca. Đàn Tính cũng là một dân ca. Cũng như dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca quan họ Bắc Ninh thì đối với người Tày của mình, sli, lượn cũng là một hình thức dân ca. Tôi viết về những gì gần gũi ở địa phương mình, có thể là phê phán, có thể là ca ngợi”.

Bà Vũ Thị Lương, trú tại tổ 12, thị trấn Bằng Lũng, với tình yêu nghệ thuật dân ca, nhiều năm qua, bà đã dành nhiều thời gian để sưu tầm các làn điệu Then Tày và truyền dạy hát Then, đàn Tính cho học sinh, sinh viên trong dịp kỳ nghỉ hè. Bà Lương cho hay: Mục đích của bà là muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ biết trân trọng, lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Cũng rất tự hào là các cháu đã quan tâm tìm hiểu, thường xuyên luyện tập, học hỏi thêm các bài Then, bài thơ Sli, lượn.

Một tiết mục biểu diễn hát Then, đàn Tính ở huyện Chợ Đồn.
Một tiết mục biểu diễn hát Then, đàn Tính ở huyện Chợ Đồn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Chợ Đồn có 05 nghệ nhân Then, chủ yếu là người Tày gồm: Then Giai ở xã Bằng Lãng; Then Túc ở xã Yên Thịnh; Then Ngụy ở Yên Thượng; Then Thăm ở xã Đại Sảo; Then Hựu ở xã Đồng Thắng. Toàn huyện có khoảng 60 người biết hát Then, đàn Tính. Có trên 100 cây đàn Tính được lưu giữ, 03 hộ gia đình chế tác đàn Tính gồm: Ông Lý Văn Chiến (thôn Nà Dầu, xã Đồng Lạc); ông Hà Đức Lỵ (tổ 6A, thị trấn Bằng Lũng); ông Văn Tiến Khởi (xã Bằng Lãng). Trang phục còn nguyên gốc và cách điệu có liên quan đến nghệ thuật hát Then đã thống kê hiện còn lưu giữ gần 70 bộ. Ngoài ra, một số hộ dân tại các xã Đông Viên, Yên Mỹ, Bằng Lãng cũng lưu giữ  một số hiện vật, tư liệu, tài liệu liên quan đến then Tày. Về loại hình hát Then mới, có một số bài Then được phát triển từ thơ Tày do một số nghệ nhân sáng tác. 

Các câu lạc bộ (CLB), nhóm Then đã được thành lập như: CLB hát Then - đàn Tính thị trấn Bằng Lũng; CLB Then, thơ, lượn xã Yên Mỹ; nhóm đam mê hát Then huyện Chợ Đồn... Các nhóm, các CLB này thường xuyên tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ vào dịp hội xuân, ngày hội đại đoàn kết toàn dân và các hội diễn, liên hoan… Bên cạnh đó, một số trường học như: Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng, Trường PTDT nội trú huyện cũng đưa bộ môn này để truyền dạy cho học sinh. Các nhà trường ở các bậc học đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh trải nghiệm loại hình di sản văn hóa này.

Để lưu giữ và phát huy di sản hát Then, đàn Tính, thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã thực hiện nhiều hoạt động như: Hằng năm khảo sát, bảo tồn các làn điệu hát Then, đặc biệt là Then cổ, Then mới; phát huy di sản này thông qua các hội diễn, liên hoan hay trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Năm 2019, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng và phê duyệt Đề án quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện Chợ Đồn giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Thường xuyên tham mưu cho UBND huyện trong việc thực hiện quản lý để bảo tồn yếu tố gốc với Then cổ. Ngoài việc thành lập CLB hát Then - đàn Tính trực thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Phòng cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các CLB hát Then - đàn Tính từ cơ sở, đặc biệt là gắn với các xã có di tích để phục vụ du khách đến tham quan và thưởng thức di sản văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày.

Tại "Tuần lễ du lịch - Di sản văn hóa Ba Bể" năm 2022 dự kiến tổ chức từ ngày 03-06/6, huyện sẽ thành lập đoàn tham gia Liên hoan hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng tỉnh Bắc Kạn lần thứ I.

Thời gian tới, ngành chức năng của huyện tập trung vào một số giải pháp cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Then Tày trên địa bàn huyện như: Tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, sưu tầm các tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến di sản văn hóa này tại địa phương. Đào tạo, bồi dưỡng, triển khai xây dựng các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học chuyên đề. Tổ chức các chương trình, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cộng đồng. Đẩy mạnh quảng bá gắn với phát triển du lịch... Những giải pháp này sẽ giúp huyện Chợ Đồn tiếp tục đẩy mạnh gìn giữ và phát huy di sản văn hóa đặc trưng của địa phương./.

Phương Thùy

Xem thêm