​​​​​​​Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam (21/4) Lan toả phong trào đọc sách trong cộng đồng

Sách là sản phẩm trí tuệ, văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức của nhân loại, người thầy vĩ đại thắp sáng mỗi chúng ta trong việc khám phá nguồn tri thức vô tận. Nhà văn Maxim Gorky- bậc thầy của nền văn học Nga Xô viết đã từng viết: “Sách mở ra cho tôi những chân trời mới”.

Nhận thức được tầm quan trọng của Văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm thúc đẩy và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Ngày Sách Việt Nam 21/4 là sự kiện văn hóa quan trọng không chỉ của những người yêu sách mà còn của toàn xã hội. Đây là dịp để tôn vinh và khẳng định những giá trị to lớn của sách.

Cô và trò Trường Tiểu học Sông Cầu (T.P Bắc Kạn) hào hứng trong Ngày hội đọc sách
Cô và trò Trường Tiểu học Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) hào hứng trong Ngày hội đọc sách.

Tỉnh ta hiện có 01 thư viện cấp tỉnh, 07 thư viện huyện, 9 thư viện xã, 03 điểm của Dự án BMGF-VN (Dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng Việt Nam), 01 thư viện Trại Tạm giam Công an tỉnh, 01 thư viện Cơ sở Cai nghiện ma túy và 55 thư viện trường học.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, hệ thống thư viện công cộng của tỉnh ta đã có những đổi mới, linh hoạt, thích ứng an toàn tổ chức các hoạt động như: Luân chuyển tài liệu, phục vụ sách báo tại cơ sở thông qua xe thư viện lưu động, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ thư viện theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin… bảo đảm nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức, hỗ trợ tích cực cho việc giải trí, học tập, nghiên cứu của độc giả. Việc đổi mới hoạt động thư viện trong thời gian qua đã góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Đọc sách chính là một cách tự học. Tự học và đọc sách là con đường dẫn đến thành công. Nắm được chân lý đó, em Lý Mai Anh, lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Bắc Kạn đã áp dụng thành công trong suốt quá trình học tập. Từ nhỏ Mai Anh đã coi sách như người bạn thân thiết và là độc giả nhí của Thư viện tỉnh từ những năm học tiểu học. Nhờ sách và năng lực tự học mà Mai Anh đã giành được rất nhiều thành tích trong học tập: Khi học Tiểu học em đã giành giải Nhì cấp tỉnh giải toán trên mạng; lớp 8 giành giải Nhất môn Tiếng Anh cấp tỉnh. Đặc biệt, Mai Anh đã vinh dự đại diện cho học sinh khối THPT Bắc Kạn đi tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Vượt qua 3 thí sinh, Mai Anh đã xuất sắc giành giải Nhất ở tuần 3 tháng 2, quý I năm thứ 22 của chương trình. Em luôn ở trong top đầu học sinh học tốt ở lớp 11 chuyên Anh, tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.

Lý Mai Anh, lớp 11 chuyên Anh (Trường THPT Chuyên Bắc Kạn) là một trong những độc giả thường cuyên của Thư viện tỉnh. Nhờ đọc sách, nỗ lực của bản thân nên em đã giành được nhiều thành tích trong học tập, đặc biệt đã giành giải Nhất tuần trong Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào tháng 2 năm 2022
Em Lý Mai Anh, lớp 11 chuyên Anh (Trường THPT Chuyên Bắc Kạn) là độc giả thường xuyên của Thư viện tỉnh. Nhờ đọc sách và sự nỗ lực của bản thân, em đã giành được nhiều thành tích trong học tập, đặc biệt là đạt giải Nhất tuần trong Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Độc giả đến với Thư viện tỉnh đa số là học sinh, cán bộ, người nghỉ hưu… với lượng sách bổ sung hàng năm trung bình 2.000 bản, tổng số sách của thư viện hiện có khoảng 40.000 đầu sách. Để phục vụ nhu cầu độc giả, phát triển phong trào đọc sách, Thư viện tỉnh đã phối hợp các loại hình thư viện khác, cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh để triển khai các hoạt động như: Tuyên truyền giới thiệu sách, báo, triển lãm báo xuân, tổ chức dịch vụ thư viện lưu động; ngày hội đọc sách, luân chuyển tài liệu đến thư viện huyện, xã. Năm 2021 đã tổ chức hoạt động thư viện tại 80 trường học trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 790 cuốn sách cho 05 trường học. Tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc thu hút số lượng lớn thí sinh tham gia. Năm 2022, kế hoạch tiếp tục thực hiện thư viện lưu động đến 80 trường học trên địa bàn tỉnh. Thư viện cấp huyện triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách, xây dựng chuyên mục “Mỗi tuần một cuốn sách” phục vụ bạn đọc mượn tài liệu qua fanpage của Trung tâm Văn hoá thông tin và truyền thông huyện; mô hình phục vụ ngoài thư viện bằng xe thư viện lưu động tại các trường học, tổ chức các hoạt động kể chuyện, độc thoại vai nhân vật, vẽ tranh theo sách, trò chơi đố vui về sách, đố vui kiến thức…

Tuy nhiên hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Thư viện tỉnh chưa có trụ sở riêng, không gian cho độc giả ngồi đọc chật hẹp, kinh phí tổ chức các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ chuyên môn còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu như: Phần mềm quản lý thư viện hiện đại, nguồn nhân lực… Để hoạt động thư viện phục vụ tốt nhu cầu độc giả góp phần lan toả, nhân rộng phòng trào đọc sách trong cộng đồng, Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa.

Văn hóa đọc đã trở thành nhu cầu hết sức cần thiết trong thời đại khoa học, kỹ thuật, công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Lợi ích của việc đọc sách vô cùng to lớn, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách”. Bác chính là tấm gương sáng về ý thức tự học và đọc sách mà ai cũng cần học tập./.

Phương Thảo

Xem thêm