Gắn dạy học với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Là nơi giáo dục, đào tạo con em đồng bào các dân tộc thiểu số, Trường PTDT Nội trú huyện Chợ Đồn không chỉ làm tốt công tác giáo dục, chăm lo đời sống cho học sinh mà còn đề cao vai trò giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt trong phong trào thi đua của nhà trường.

Một buổi tập luyện của CLB đàn hát dân ca của các em Trường PTDT Nội trú Chợ Đồn
Một buổi tập luyện của CLB Đàn hát dân ca Trường PTDT Nội trú Chợ Đồn.

Năm học 2021-2022, Trường PTDT Nội trú huyện Chợ Đồn có 273 học sinh thuộc các dân tộc như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chí, Kinh, Hoa, Pà Thẻn. Trường có 37 cán bộ, giáo viên, trong đó 19 giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, gắn công tác giảng dạy với việc chăm lo đời sống, vật chất tinh thần cho học sinh, giúp các em yên tâm học tập, xem ngôi trường như gia đình thứ hai của mình. Nhờ định hướng đúng đắn đó nên những năm qua trường đều hoàn thành các mặt giáo dục, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên, nhiều em đã đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.

Cùng với đó, nhà trường còn giáo dục học sinh gắn việc học với duy trì, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể như năm học vừa qua, trường đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức mở được các lớp học nghề mây tre đan, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống Dao Đỏ. Lớp học do những người có kinh nghiệm truyền dạy. Các em được hướng dẫn từ cách cầm kim chỉ, cách sử dụng nguyên liệu, kỹ thuật thêu, đan lát... cho đến khâu hoàn thiện sản phẩm. Thông qua các lớp học nghề, nhiều em đã biết cách thêu, trang trí  văn hoa trên trang phục truyền thống, biết đan thành các sản phẩm như giỏ trứng, rổ, rá, sọt đựng ngô, gùi đi nương..., những vật dụng quen thuộc gắn với cuộc sống của đồng bào. Quan trọng hơn cả, qua những lớp học như vậy còn rèn cho các em kỹ năng sống, sự nhẫn nại, kiên trì, biết yêu lao động, hiểu hơn về bản sắc văn hoá của địa phương mình.

Em Nông Thị Thảo My, dân tộc Tày, học sinh lớp 9B cho hay: "Khi có lớp dạy nghề, em đã đăng ký tham gia ngay. Qua vài buổi học em có thể đan được gùi, sọt bằng tre, thêu văn hóa trên trang phục dân tộc".

Cô giáo Chu Thị Biến- Giáo viên môn Công nghệ cho biết: "Tôi nhận thấy các lớp học như vậy là thực sự cần thiết đối với học sinh nội trú, bởi các em xuất phát đều ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nhận thức cũng như môi trường trải nghiệm hạn chế. Vì vậy việc tạo ra sân chơi học tập đã giúp phát huy năng khiếu, sở trường của từng em, bồi dưỡng thêm kỹ năng sống, rèn luyện bản thân. Hầu hết khi tham gia lớp học như vậy, các em đều rất vui và hào hứng".

: Các em còn được tham gia học nghề đan lát do những người có kinh nghiệ truyền dạy
Học sinh được tham gia học nghề đan lát do những người có kinh nghiệm truyền dạy.

Đến nay, nhà trường đã thành lập được 3 CLB gồm: CLB Nghề truyền thống, CLB Đàn hát dân ca, CLB Mỹ thuật, thường xuyên duy trì họt động vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Ngoài ra, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc còn được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi giới thiệu, trưng bày sản phẩm văn hóa, ẩm thực truyền thống thông qua việc sử dụng ngôn ngữ Tày, Kinh, Tiếng Anh, trò chơi văn hóa dân gian, các làn điệu dân ca, ca nhạc mang đậm văn hóa riêng của mỗi vùng miền. Hay việc mặc trang phục truyền thống vào thứ Hai hằng tuần, các ngày kỷ niệm, các nghi lễ của trường.

Thầy giáo Ma Đức Huyên- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trong thời gian qua, trường đã nhận được sự quan tâm của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện khi có những đề xuất, phối hợp tổ chức được các lớp học nghề truyền thống hết sức có ý nghĩa, qua đó giúp các em hiểu hơn về nguồn gốc cũng như giá trị văn hóa của dân tộc mình. Các sản phẩm văn hóa mây tre đan do học sinh làm ra, trường sẽ đề xuất tham gia triển lãm trưng bày tại chợ đêm, các hoạt động quảng bá du lịch của huyện khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhà trường mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cấp, ngành trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là Nhà Sinh hoạt - Giáo dục - Văn hóa dân tộc để có nơi trưng bày các sản phẩm truyền thống, giáo dục cho học sinh ngày càng yêu bản sắc văn hóa quê hương cũng như các giá trị tốt đẹp của dân tộc"./.

Thu Trang

Xem thêm