Pác Nặm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

Những năm qua, huyện Pác Nặm luôn chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nhằm gắn kết cộng đồng dân tộc trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Huyện thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vốn có trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời gắn các hoạt động văn hóa, văn nghệ với việc bảo tồn di sản văn hóa bằng các hình thức cụ thể như: Tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ chuyên đề về hát Then, sli, lượn, thi trang phục dân tộc, trưng bày giới thiệu ẩm thực đặc sắc, thi quay sợi dệt vải, đan lát thủ công truyền thống vào các dịp Tết cổ truyền dân tộc, lễ hội, hội xuân hằng năm.

Phong trào TDTT được các tầng lớp nhân dân huyện Pác Nặm hưởng ứng.
 Phong trào TDTT được các tầng lớp nhân dân huyện Pác Nặm hưởng ứng.

Qua các hoạt động này đã chọn ra được những loại ẩm thực, tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu như xôi nhiều màu, bánh giầy ngũ sắc, bánh coóc mò, bánh cà muồng (bánh gio) và mèn mén dân tộc Mông… tham gia trưng bày, giới thiệu tại Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam hằng năm. Đến nay, huyện có 03 loại hình văn hóa được bảo tồn và công nhận đó là chữ Nôm Tày, lượn cọi và nghề trồng bông dệt vải của đồng bào dân tộc Tày.

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện đã xây dựng các chương trình kế hoạch cụ thể về triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc cưới được tổ chức một cách trang trọng, lành mạnh và văn minh, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa các dân tộc của địa phương. Các đám cưới nhìn chung đã giảm những chi phí không cần thiết, những hủ tục lạc hậu, rườm rà, từng bước được loại bỏ, hình thành nếp sống văn minh, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các gia đình có đám hiếu, đám tang tổ chức chu đáo, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của từng dân tộc và hoàn cảnh gia đình…

Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn được người dân lưu giữ.
 Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn được người dân lưu giữ.

Hằng năm, huyện tổ chức các lễ hội truyền thống như: Hội Lồng tồng vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Mù Là, xã Cổ Linh và hướng dẫn các xã tổ chức hội Lồng tồng. Các lễ hội luôn đảm bảo an toàn, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc địa phương. Việc tổ chức lễ hội đã đi vào nền nếp, phần lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, đẩy gậy, kéo sợi, đánh pao, đánh yến... kết hợp với hoạt động văn nghệ quần chúng như múa, hát theo làn điệu dân ca các dân tộc Mông, Dao, Tày, múa khèn, thổi sáo Mông… Lễ hội được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, không có hiện tượng mê tín dị đoan, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện đến dự. Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai đồng bộ và có bước phát triển sâu rộng từ huyện đến cơ sở, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng đã phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh nội lực của gia đình, cộng đồng dân cư.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Các địa phương luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, đồng thời khôi phục tổ chức hoạt động văn hóa gắn liền với phong trào ở cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn.

Các phong trào thi đua, cuộc vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân hướng ứng, thực hiện như: “Người tốt, việc tốt”; thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... Huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động Nhân dân tích cực tham gia tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ để phục vụ việc học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời gian tới, huyện Pác Nặm tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch chung của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi vận động dân gian. Tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển phong trào thể thao ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách để đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình hưởng thụ các hoạt động thể dục thể thao. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch và tăng cường đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng hệ thống truyền thanh cơ sở. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", khai thác và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.../.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm