Đồng chí nguyên Bí thư Huyện ủy Bạch Thông với kỷ niệm về Bác

Đồng chí Nông Viết Hoàn (1926-2005), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Bắc Thái là người có nhiều kỷ niệm về những lần vinh dự được gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Bạch Thông từ năm 1949-1951.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với các cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Bắc Kạn, năm 1951 tại Tổng Nẻng, xã Huyền Tụng. Đồng chí Nông Viết Hoàn thứ hai từ phải sang. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với các cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Bắc Kạn, năm 1951 tại Tổng Nẻng, xã Huyền Tụng. Đồng chí Nông Viết Hoàn thứ hai từ phải sang. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Nông Viết Hoàn, bí danh Đức Viên, sinh ngày 30/7/1926 tại bản Gia Bộ, xã Lương Hạ thuộc tổng Lương Hạ, châu Na Rì (nay là thôn Hát Lài, xã Sơn Thành, huyện Na Rì) trong một gia đình trung nông. Tháng 3/1945, khi mới 19 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào Việt Minh, được cấp trên cử làm liên lạc đưa thư từ, công văn cho cán bộ và tham gia chương trình huấn luyện Việt Minh hai tuần. Sau đó làm cán bộ phụ trách xã, thư ký Thanh niên cứu quốc huyện, Chủ nhiệm huyện bộ Việt Minh kiêm thư ký Phòng Thông tin.

Kể từ khi có cơ sở và phong trào cách mạng, tháng 3/1945 cho đến tháng 8/1946, Na Rì chưa có cơ sở đảng. Do vậy, công tác tổ chức, phát triển Đảng ở huyện Na Rì trở thành vấn đề hết sức bức thiết. Nhận trách nhiệm của Tỉnh ủy Bắc Kạn giao về công tác xây dựng Đảng ở Na Rì, giữa năm 1946, đồng chí Nông Văn Quang(1) vào Na Rì tuyên truyền giác ngộ về Đảng Cộng sản cho một số quần chúng tích cực. Trải qua một thời gian giáo dục, thử thách công tác, một số quần chúng có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng, tiến bộ nhanh chóng.

Ngày 15/8/1946, tại phố Yến Lạc, đồng chí Nông Văn Quang đã tổ chức buổi lễ kết nạp lớp đảng viên đầu tiên của huyện Na Rì cho ba đồng chí(2) và giao nhiệm vụ cho đồng chí Nông Viết Hoàn làm tổ trưởng tổ đảng. Để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo của Đảng ở Na Rì, tháng 10/1946, đồng chí Nông Văn Quang trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nông Viết Hoàn làm Bí thư Chi bộ đồng thời phụ trách công tác Đảng huyện Na Rì. Tháng 12/1946, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn họp hội nghị mở rộng bầu Ban Chấp hành Đảng bộ mới gồm 11 đồng chí. Tỉnh ủy cử đồng chí Nông Viết Hoàn, Tỉnh ủy viên phụ trách công tác Đảng huyện Na Rì, giữ cương vị như Bí thư Huyện ủy lâm thời(3).

Đồng chí Nông Viết Hoàn, ảnh chụp năm 1956.
Đồng chí Nông Viết Hoàn, ảnh chụp năm 1956.

Từ tháng 6/1949 đồng chí được điều làm Bí thư Huyện ủy Bạch Thông, thời gian này Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến công tác bảo vệ giao thông và Đảng bộ, Nhân dân huyện Bạch Thông, nơi có Quốc lộ 3 đi qua. Trong suốt cuộc kháng chiến, Người đã nhiều lần dành thời gian đến thăm hỏi, động viên chỉ dẫn cán bộ và Nhân dân Bạch Thông(4). Vì thế, đồng chí có nhiều dịp được gặp Bác. Dưới đây xin được trích lược câu chuyện của đồng chí Nông Viết Hoàn về một trong những lần gặp đó(5):

“Cuối năm 1950, vào một buổi chiều, tôi được giao liên của Tỉnh ủy đến báo tin bảy giờ tối có mặt tại cơ quan Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh để họp bất thường. Chập tối tôi cùng nhiều anh em khác đã có mặt đông đủ.

Anh Dương Thiết Sơn, Bí thư Tỉnh ủy thông báo “Hôm nay mời các đồng chí đến đây họp bất thường để nghe Hồ Chủ tịch nói chuyện”. Chúng tôi mừng lắm. Đây là dịp Bác đi công tác qua dừng chân nghỉ lại tỉnh một buổi.

Một lúc sau, Bác đến. Cả cuộc họp đứng dậy chào Bác. Bác hỏi thăm sức khoẻ anh em chúng tôi. Rồi Bác hỏi về tình hình sản xuất, đời sống đồng bào và bộ đội trong tỉnh. Sau đó Bác nói qua tình hình thế giới và tình hình cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta ở cả ba miền Trung Nam Bắc chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong buổi nói chuyện, Bác đặc biệt nhấn mạnh phong trào thi đua trong cả nước, nhất là các vùng tự do, các vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến ở cả ba miền đất nước hưởng ứng sôi nổi lời phát động thi đua của Chính phủ và Hồ Chủ tịch.

Rồi Bác ngừng lời giây lát, hỏi: “Bây giờ ở đây chú nào giải thích được ba mục đích của phong trào thi đua mà Bác phát động để Bác nghe xem...”.

Tức thì anh Dương Thiết Sơn xin giơ tay. Anh nói một mạch khá lâu. Bác giơ tay ra hiệu anh Sơn dừng lại. Rồi Bác lại hỏi: “Có còn chú nào biết giải thích ba mục đích thi đua nữa không?”

Anh Nguyễn Quang Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy giơ tay xin nói.

“Ừ chú nói đi”. Anh Hiền cũng lại thao thao có phần còn dài dòng hơn cả anh Sơn. Chúng tôi lại thấy Bác ra hiệu cho anh Hiền ngắt lại. Rồi Bác ôn tồn thong thả nói: “Hai chú nói gì dài dòng lắm vậy. Bác nghe hai chú nói những gì khó hiểu quá. Cứ kiểu nói thế này, khi đi xuống nói với dân, đến với bộ đội thì đồng bào các dân tộc và chiến sĩ làm sao hiểu được”. Và Bác dõng dạc: Nói ba mục đích thi đua là:

- Diệt giặc đói.

- Diệt giặc dốt.

- Diệt giặc ngoại xâm.

Rồi Bác giải thích thêm tại sao phải diệt ba loại giặc đó cùng một lúc. Và, hậu phương với tiền tuyến, quân với dân phải cùng thi đua... Mọi người chúng tôi như nín thở theo dõi từng cử chỉ và giọng nói của Bác thật giản dị và dễ hiểu”...

Những năm sau này, đồng chí Nông Viết Hoàn còn được giao nhiều chức vụ quan trọng như: Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Kạn, Bắc Thái; Trưởng ban Tuyên truyền kiêm Trưởng ty Thông tin Bắc Kạn, Phó Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Khu Tự trị Việt Bắc, Giám đốc Đài Phát thanh Khu Tự trị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban thanh tra khu. Đồng chí nghỉ công tác năm 1980 ở cương vị Giám đốc Đài Phát thanh Bắc Thái và về cư trú tại Bản Pò, thị trấn Yến Lạc (Na Rì). Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nông Viết Hoàn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng…

Nhớ về đồng chí, cụ Hà Văn Viễn, 90 tuổi ở Nà Dì, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn, nguyên Phó ban Nghiên cứu lịch sử tỉnh Bắc Thái kể: “Tôi và anh Hoàn sinh hoạt cùng một chi bộ ghép khi anh làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy năm 1976. Đó là một con người có phong cách gần dân, giản dị, dễ mến, rất đáng kính phục. Anh Hoàn luôn học và làm theo Bác”. Ông Nông Văn Sử, con trai của đồng chí Nông Viết Hoàn, hiện đang ở Bản Pò, thị trấn Yến Lạc bồi hồi nhớ lại: “Cụ đi công tác xa nhưng luôn chăm lo tới gia đình, đặc biệt là việc học tập của con cái, tháng lương ít ỏi vẫn gửi về 2/3 để vợ nuôi con ăn học. Tính cách ông cụ rất vui vẻ, hài hước”.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, rất nhiều cán bộ, đồng bào trong tỉnh Bắc Kạn được gặp Bác Hồ, nhưng được ghi lại trong sách như kỷ niệm của đồng chí Nông Viết Hoàn lại không nhiều. Do đó, việc sưu tầm, phổ biến những câu chuyện, sự kiện về Bác với mảnh đất, con người Bắc Kạn rất có ý nghĩa trong nhiệm vụ đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay./.

Nhà văn Nông Viết Toại và KIM KIM

-------------------------------------------------------------------------------------

1.  Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Khu Tự trị Việt Bắc.

2.  Ba đồng chí là: Nông Viết Hoàn (tức Đức Viên), Lục Văn Tra (tức Lục Quốc Phong), Vi Văn Xương (tức Vạn Quốc, Việt Cương).

3.  Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Na Rì, xuất bản năm 2000.

4.  Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Bạch Thông, xuất bản năm 1995.

5.  Câu chuyện này in trong cuốn “Bác Hồ trong lòng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản năm 2003.

Xem thêm