Chuyện về nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Phụng ngày đầu tái lập tỉnh

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Phụng sinh năm 1943, mất năm 2004 vì căn bệnh hiểm nghèo. Suốt 8 năm làm Bí thư Tỉnh ủy (1997-2004), đồng chí Hà Văn Phụng đã có công rất lớn đối với tỉnh Bắc Kạn trong những năm đầu tái lập, khó khăn bộn bề. Trong bài viết này, tôi chỉ kể vài chuyện nhỏ về sự chỉ đạo của ông trong công việc báo chí, xuất bản khi tái lập tỉnh Bắc Kạn. Những chuyện rất nhỏ nhưng cũng cho thấy tầm nhìn xa của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ngày ấy.

Ảnh kỷ niệm chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Bắc Kạn, tháng 01/1997. Từ phải sang: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Phụng; nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Ruệ và tác giả bài viết.
Ảnh kỷ niệm chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Bắc Kạn, tháng 01/1997. Từ phải sang: Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Phụng; nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Ruệ và tác giả bài viết.

“Đứa con” chưa kịp làm “Giấy khai sinh”...

Hôm 30/12/2020, Báo Bắc Kạn tổ chức buổi gặp mặt đầu Xuân giữa hai cơ quan: Báo Bắc Kạn - Báo Thái Nguyên và những người đầu tiên xây dựng Báo Bắc Kạn. Bữa ấy, ông Nguyễn Non Nước, nguyên Tổng Biên tập Báo Bắc Kạn kể rằng, hôm mít tinh trọng thể tái thành lập tỉnh Bắc Kạn, tổ chức ngày 01/01/1997, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đọc Báo Bắc Kạn số đầu tiên, rồi khen “Các cậu giỏi thật! Hôm nay mới mít tinh thành lập tỉnh mà các cậu đã kịp ra số báo đẹp, thông tin đầy đủ thế này”...

Quả thật, số báo đầu tiên đăng tải những thông tin đặc biệt quan trọng, mang tính lịch sử, như: Trích Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 06/11/1996 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Trong đó chia tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên; danh sách BCH Lâm thời Đảng bộ và danh sách UBND lâm thời tỉnh Bắc Kạn; kết thúc hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bắc Thái... Tuy nhiên, một số chi tiết nhỏ mang dấu ấn chỉ đạo của đồng chí Hà Văn Phụng trong việc xuất bản số báo này, nhưng có thể vì thời gian có hạn nên ông Nước chưa kể, nay tôi xin kể lại:

Chuyện thứ nhất, đó là quyết định “vượt rào” của ông Hà Văn Phụng để xuất bản Báo Bắc Kạn số đầu tiên. Theo quy định của Nhà nước về quản lý báo chí ngày đó (và cả bây giờ), để thành lập một cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản (Tỉnh ủy Bắc Kạn) phải lập đề án, trong đó nêu tôn chỉ mục đích; nội dung; hình thức; kỳ xuất bản; lý lịch người dự kiến bổ nhiệm Tổng Biên tập và nhiều thủ tục khác. Thủ tục này phải thực hiện trong nhiều tháng. Thế nhưng, vào thời điểm đó, Tỉnh ủy Bắc Kạn chưa chính thức ra mắt, làm sao đáp ứng các điều kiện để thành lập cơ quan ngôn luận của mình! Vậy thì, ai là người chỉ đạo xuất bản Báo Bắc Kạn khi chưa đủ thủ tục để cấp phép thành lập cơ quan báo chí Báo Bắc Kạn “con ai?” (cơ quan chủ quản)...

Ngày ấy, ông Hà Văn Phụng là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Thái, được Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (lâm thời). Với vai trò vừa là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Thái, vừa là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (lâm thời), đồng chí Hà Văn Phụng đã chỉ thị cho Ban Biên tập Báo Bắc Thái xuất bản Báo Bắc Kạn số đầu tiên để kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh Bắc Kạn. Vì thế, xi-nhê (chân trang cuối tờ báo) của Báo Bắc Kạn số đầu tiên để trống các thông tin theo quy định xuất bản. Nhiều người vẫn nói vui, Báo Bắc Kạn số đầu tiên là “đứa con” chưa kịp làm “Giấy khai sinh”. Và, mặc dù chưa kịp “khai sinh” nhưng Báo Bắc Kạn là cơ quan đầu tiên, đi vào hoạt động sớm nhất tỉnh Bắc Kạn!

Bắc Kạn “C” hay Bắc Kạn “K”?

Chuyện thứ hai, chọn măng–séc (tên riêng của báo được in ở đầu trang nhất) của Báo Bắc Kạn. Đây là chuyện khá phức tạp vì nó liên quan đến việc sử dụng chữ “C” hay chữ “K”? Vào thời điểm chuẩn bị chia tách tỉnh, rất nhiều ý kiến trái chiều về việc sử dụng  chữ “C” và chữ “K” trong tên gọi của tỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng chữ “K” trong chữ “Kạn” là không đúng với ngữ pháp tiếng Việt! Vậy thì tên gọi, con dấu... của các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Kạn sau này sử dụng chữ “C” hay chữ “K”?. Và trước mắt, măng-séc của báo sử dụng chữ “C” hay chữ “K”?

 Măng-séc Báo Bắc Kạn số đầu tiên do nhà báo Xuân Hải thiết kế (nhà báo Xuân Hải hiện là Trưởng phòng Báo Điện tử, Báo Thái Nguyên). Tôi nhớ, hôm duyệt măng-séc Báo Bắc Kạn tại phòng Tổng Biên tập Báo Bắc Thái với sự có mặt của các ông: Lê Quang Dực, Tổng Biên tập; Nguyễn Non Nước, Phó Tổng Biên tập; Hữu Minh, Trưởng phòng Phóng viên; Nguyễn Niên, Thư ký Tòa soạn... Trước những ý kiến của Ban Biên tập Báo Bắc Thái, ông Hà Văn Phụng nhỏ nhẹ “Quốc hội và Chính phủ đã quyết định rồi, cứ thế mà thực hiện”. Rồi ông giải thích, đại để, về phát âm, không có gì khác biệt. Nhưng theo lịch sử, Bắc Kạn là cách gọi chệch từ “Pác Káp”. Pác Káp, tiếng Tày có nghĩa là nơi hợp lưu của nhiều dòng chảy. Bắc Kạn còn gọi chệch từ Pác Kạm; tiếng Tày có thể hiểu là cửa ngõ, phên dậu phía Bắc. Nếu viết chữ “C” người nước ngoài sẽ đọc thành chữ “S”...

Nghe đồng chí Hà Văn Phụng giải thích, tôi đã viết bài báo “Bắc Cạn hay Bắc Kạn?” đăng trên trang 2 của số báo đầu tiên này.

Từ đấy, măng-séc Báo Bắc Kạn do anh Xuân Hải thiết kế (sau này có chỉnh sửa khoảng cách chữ, nhưng hình dáng, kiểu chữ không thay đổi) với chữ K chân phương, giản dị và vững chãi đã gắn liền với sự phát triển của Báo Bắc Kạn suốt 25 năm qua. Cũng từ đấy, hàng loạt cơ quan Đảng, cơ quan chính quyền nhà nước; các tổ chức đoàn thể... của tỉnh Bắc Kạn đều thống nhất sử dụng chữ “K”.

“Người đẹp” Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn tái thành lập khi Tết Đinh Sửu (1997) đang đến gần. Để chuẩn bị đón Tết, ông Ma Văn Bổn, khi ấy là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho xuất bản lịch bloc để quảng bá hình ảnh của tỉnh và đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý, giao cho ông Bổn chủ trì với điều kiện không sử dụng ngân sách mà phát hành theo hình thức xã hội hóa, tức là vận động các đơn vị mua lịch. Chỉ còn chừng một tháng, ông Bổn sẽ chỉ đạo sản xuất lịch sao đây? Có lẽ do áp lực về tiến độ, ông Bổn mời một số phóng viên Báo Bắc Kạn tham gia, trong đó có tôi.

Việc đầu tiên là chọn hình ảnh in trên các tờ lịch để quảng bá tiềm năng của tỉnh. Tỉnh Bắc Kạn khi tái thành lập vô cùng nghèo nàn và lạc hậu. Thị xã Bắc Kạn - trung tâm tỉnh lị xác xơ, lầm bụi; cơ sở sản xuất công nghiệp thì nhỏ lẻ, manh mún; hệ thống đường - trường - trạm thì tạm bợ; ngôi nhà cao tầng, “nguy nga” nhất thị xã Bắc Kạn thời đó là Khách sạn Hương Sơn. Thật khó mà tìm được hình ảnh tiêu biểu về kinh tế - xã hội của tỉnh để đưa lên các tờ lịch.

Chúng tôi cũng đã nghĩ tới một số phương án nhưng xem ra không ổn, đành xin ý kiến Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Phụng. Ngày ấy đồng chí Phụng ở trong một gian nhà cấp 4 trên đồi cao. Hằng ngày, nếu không đi công tác xa, đồng chí tự nấu ăn, tự giặt giũ. Nghe chúng tôi trình bày khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy tủm tỉm “Nhà có cô gái đẹp, ngày Tết sao không mang ra mà khoe?”. Đồng chí Phụng luôn kiệm lời, thâm trầm và thông tuệ. Nghe ông Phụng nói, tôi nghĩ ngay đến những cô gái Tày, Dao, Mông xinh đẹp mà tôi đã từng gặp trong Hội xuân Ba Bể, thời tôi còn làm phóng viên Báo Bắc Thái. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Giêng hằng năm. Đến với Hội xuân Ba Bể, chúng ta sẽ gặp những cô gái Dao Đỏ lộng lẫy trong trang phục với những họa tiết tinh tế và rực rỡ; những cô gái Tày trong trang phục màu chàm, lấp lánh vòng bạc, gảy đàn Tính hát điệu Then… Những hình ảnh ấy mà đưa lên các tờ lịch cũng độc đáo, tươi đẹp lắm thay!

Nhưng tôi đã nhầm! “Cô gái đẹp” mà Bí thư Tỉnh ủy gợi ý cho chúng tôi không phải là cô gái cụ thể như chúng tôi nghĩ mà là hồ Ba Bể - một tuyệt tác thiên nhiên mà nhiều người từng ví như “Nàng công chúa” trong rừng. Theo gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy, ông Ma Văn Bổn đã mời 3 nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng ở Hà Nội là Trần Định, Văn Chức, Ngô Dư lên hồ Ba Bể “săn” ảnh. Vậy là Tết năm ấy, “Người đẹp” Ba Bể in trên 7 tờ lịch - mỗi tờ in một bức ảnh phong cảnh hồ Ba Bể - tỏa đi khắp nơi.

Cũng vì “người đẹp”, ngay sau khi tái thành lập, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên đầu tư nâng cấp con đường từ thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) đi Ba Bể để khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh nhà.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn dồn lực để mở mới và nâng cấp, cải tạo 3 tuyến đường phục vụ du lịch hồ Ba Bể. Trong đó, mở mới đường từ thành phố Bắc Kạn lên thẳng hồ Ba Bể với vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Khi hoàn thành, con đường đến hồ Ba Bể sẽ rút ngắn một nửa so với trước đây và tiếp tục xây dựng thêm 2 tuyến đường đó là tuyến xung quanh hồ Ba Bể (vốn đầu tư khoảng 145 tỷ đồng) và tuyến từ xã Quảng Khê đến xã Khang Ninh (Ba Bể) chiều dài 16km, tổng mức đầu tư 439 tỷ đồng. Sau khi các tuyến đường này hoàn thành, việc đi lại từ địa phương khác đến Ba Bể thuận tiện và đảm bảo thông suốt.

 Thế mới biết, dù chỉ là chuyện nhỏ nhưng chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hà Văn Phụng đúng đến tận hôm nay.

...Bây giờ ở Bắc Kạn không thiếu những công trình hiện đại; không thiếu những phong cảnh nguy nga, tráng lệ để chụp ảnh in lịch. Viết những dòng này, tôi bỗng thương nhớ đồng chí Hà Văn Phụng, đồng chí Ma Văn Bổn và những người có công lớn với Bắc Kạn trong những năm đầu tái lập tỉnh./.

 Nhà báo Cao Thâm

Tổng Biên tập Tạp chí Sáng tạo Việt Nam, nguyên Phó TBT Báo Bắc Kạn

Xem thêm