Thiếu nhi vùng cao qua lăng kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh

Mang vẻ đẹp trong trẻo, tự nhiên và tràn đầy sức sống, những em bé vùng cao trở thành đề tài được nhiều văn nghệ sĩ lựa chọn sáng tạo. Đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Bắc Kạn cũng vậy, trẻ em luôn mang lại cảm hứng đặc biệt, thông qua những bức ảnh ấn tượng, nhiều thông điệp nhân văn đã được tác giả gửi gắm.

Tác phẩm ảnh Truyền nghề (Văn Thọ)
Tác phẩm ảnh Truyền nghề (Văn Thọ)

Bắc Kạn là tỉnh miền núi với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, chính vì vậy những chủ đề về văn hóa, con người vùng cao luôn được các văn nghệ sĩ trong tỉnh ưu ái đưa vào tác phẩm nghệ thuật. Với đề tài thiếu nhi, tác giả nhiếp ảnh hướng nhiều đến khung cảnh sinh hoạt đời thường của trẻ em. Bằng tình yêu trẻ thơ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã lưu lại nhiều khoảnh khắc ấn tượng mang đậm nét riêng của thiếu nhi miền núi.

Mong ước lưu giữ lại những nét đẹp về bản sắc văn hóa truyền thống, nhiều tác giả đã đến vùng sâu, vùng xa nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sau những chuyến đi thực tế đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã ra đời. Đặc biệt hơn, nhiều bức ảnh đã nhận được sự yêu thích của độc giả khi trong đó có những em bé vùng cao. Tiêu biểu như: Truyền nghề ở vùng nông thôn mới (Quang Luận); Trang phục Dao Quế Lâm (Hà Sỹ Hoàn); Truyền nghề (Văn Thọ)… Các em nhỏ trong ảnh đều rực rỡ và thu hút khi khoác lên mình bộ trang phục dân tộc truyền thống. Không những thế, nhiều tác phẩm ảnh còn lưu lại khoảnh khắc các em chăm chú tập thêu. Nét ngây thơ, trong trẻo cùng tình yêu văn hóa dân tộc của những “bông hoa nhỏ” núi rừng đã góp phần lưu lại ấn tượng đặc biệt với người xem khi nhắc đến quê hương Bắc Kạn.

Tác phẩm ảnh Nông thôn đổi mới ( Thanh Sơn)
Tác phẩm ảnh Nông thôn đổi mới (Thanh Sơn).

Không chỉ đẹp trong bộ trang phục rực rỡ, qua lăng kính máy ảnh, thiếu nhi vùng cao còn tỏa sáng trong những khoảnh khắc đời thường. Đó là sự hồn nhiên, khỏe khoắn khi em bé đang chơi đùa cùng những sản phẩm thủ công trong "Hoa tre" (Ngô Đức Mích); là nụ cười tươi giòn, hạnh phúc khi cùng mẹ ngắm nghía gùi ngô trĩu nặng ở "No ấm" (Phan Mạnh); là những bước chân nhỏ bé, tung tăng khi chăn trâu trong "Ngày mới" (Phùng Minh Hiệu)… Tất cả đều mang đến sức hút mạnh mẽ và tràn đầy sức sống. Khác với những bộ quần áo tươm tất, điệu đà của trẻ em phố thị, những em bé quê da nâu, quần áo bạc màu hân hoan đạp những vòng xe hạnh phúc trên cây cầu mới ở bức ảnh "Nông thôn đổi mới" (Thanh Sơn) đã góp phần đem đến màu sắc riêng cho công tác tuyên truyền. Cũng từ những bức ảnh đó, người xem có dịp cảm nhận cái đẹp đến từ chính khung cảnh đời thường, bình dị và thân quen…

Có thể nói, những tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh ta đều được ra đời từ niềm tự hào về quê hương và tình yêu trẻ thơ. Qua những bức ảnh đó giúp người xem cảm nhận thêm giá trị nguồn cội của dân tộc, hay lại tìm đến để trải nghiệm, chiêm ngưỡng hạnh phúc qua nụ cười trẻ thơ và khung cảnh bình yên, tràn đầy sức sống của cảnh sắc núi rừng./.

Bích Phượng

Xem thêm