Kỳ vọng của người dân với báo chí

Trong đời sống hiện nay, báo chí là một phần không thể thiếu đối với người dân. Theo thời gian, báo chí ngày càng phát triển với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng. Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), Báo Bắc Kạn đăng một số chia sẻ và mong muốn của bạn đọc về “món ăn tinh thần” quen thuộc…

Nhà văn Nông Viết Toại là độc giả trung thành của báo chí.
Nhà văn Nông Viết Toại là độc giả trung thành của báo chí.

Nhà văn Nông Viết Toại năm nay đã 95 tuổi, ông là độc giả trung thành của các chương trình truyền hình, Báo Bắc Kạn, Tạp chí Văn nghệ Ba Bể nhiều năm nay. Bước qua tuổi "xưa nay hiếm", mắt ông đã dần mất đi sự tinh tường. Trước đây, để đọc sách, báo ông chỉ cần có kính, thì giờ đây còn cần thêm sự trợ giúp của một chiếc “kính lúp”. Nhưng nếu chữ quá bé ông cũng không thấy được, vì vậy với báo in ông thường chỉ đọc tít và trích dẫn.

Chia sẻ thêm về báo chí tỉnh nhà, ông Nông Viết Toại cho biết: Thời gian trước, mắt còn tốt tôi thường xuyên đọc báo Bắc Kạn và Tạp chí Văn nghệ Ba Bể. Nhờ đó dù chỉ quanh quẩn quanh nhà mà vẫn biết qua được sự phát triển chung của tỉnh. Đến nay không đọc báo được nữa thì tôi nghe tivi, nghe đài, nội dung cũng phong phú, đa dạng về kinh tế - xã hội. Là người dân tộc Tày và gắn bó với văn hóa truyền thống nên tôi đặc biệt chú ý đến các chuyên mục về văn hóa. Chính vì vậy, tôi mong rằng các chuyên mục văn hóa của Đài Phát thanh truyền hình Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn, Tạp chí Văn nghệ Ba Bể ngày càng đa dạng, phong phú và có nội dung hấp dẫn hơn nữa để thu hút bạn đọc. Theo tôi, văn hóa, lịch sử lâu đời là nguồn cội, là gốc rễ, nếu không lưu giữ, tuyên truyền rồi cũng sẽ mất dần đi. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, hãy để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được cái hay, cái đẹp, từ đó cùng chung tay giữ gìn sự đa dạng của bản sắc văn hóa các dân tộc.

Ông Hoàng Văn Thửu- Bí thư Chi bộ thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông cũng là bạn đọc thường xuyên của báo chí. Được cấp phát báo miễn phí, hằng ngày ông đều dành thời gian để đọc và lưu giữ những nội dung thiết thực và phổ biến đến bà con trong thôn. Ông cho biết: Trước đây tôi ít đọc báo, phần vì bận rộn việc nhà nông và cũng không biết lấy báo ở đâu. Từ khi làm trưởng thôn rồi đến nay là bí thư chi bộ, được cấp phát báo đến tận nhà nên càng xem càng thấy hay, hữu ích nên đến giờ còn mong ngày báo đến. Tôi chủ yếu đọc báo Nhân dân và Báo Bắc Kạn, ngoài ra có xem thêm kênh Truyền hình Bắc Kạn. Trong đó tôi thích nhất là các bài có chủ đề về xây dựng nông thôn mới, những thôn, xã điển hình cho đến mô hình phát triển kinh tế, các nhân vật tiêu biểu… Các bài này tôi đều lưu lại để tuyên truyền cho bà con. Nhờ đọc báo nên tôi học hỏi được nhiều cách làm hay, áp dụng được vào cuộc sống thực tế. Như khi đi tuyên truyền người dân hiến đất làm đường nội thôn, tôi chia sẻ về những gương tiêu biểu người thật việc thật ngay trong tỉnh, sau đó kiên nhẫn thuyết phục, người dân hiểu thì sẽ đồng lòng, không gây khó dễ. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều gương tốt việc tốt được đăng tải trên báo, các bài viết về phát triển kinh tế sẽ nêu rõ hơn cách làm để người dân chúng tôi học hỏi...

Nguyễn Thị Hằng- Chuyên viên tại Tỉnh Đoàn Bắc Kạn
Chị Nguyễn Thị Hằng- Chuyên viên Tỉnh Đoàn Bắc Kạn.

Còn đối với Nguyễn Thị Hằng- Chuyên viên Tỉnh Đoàn thì chủ yếu gắn bó với báo mạng điện tử. Chị thường xuyên cập nhật tin tức qua điện thoại thông minh.

Chị Hằng cho biết: Từ khi còn là sinh viên, tôi chủ yếu đọc và nắm thông tin về tỉnh thông qua các mạng xã hội. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, dù ở rất xa nhưng tôi đã biết được tại quê hương mình vừa diễn ra sự kiện gì. Tuy vậy, nguồn thông tin quá nhiều sẽ có những tác hại như sai sự thật hoặc bị thổi phồng lên. Hiện nay, tôi có xem thời sự trên truyền hình Bắc Kạn và đọc một số bài báo trên Báo Bắc Kạn điện tử. Về nội dung thì tôi thấy tương đối ngắn gọn và phong phú. Tuy vậy, thanh niên hiện nay ít đọc báo in, chúng tôi chủ yếu nắm thông tin qua mạng xã hội. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giới thiệu trên các ứng dụng mạng xã hội. Ví dụ như chia sẻ các bài báo, chương trình truyền hình trên Facebook để mọi người chủ động vào xem, nếu thấy hay, thấy phù hợp thì sau sẽ tìm vào đọc các thông tin nhanh chóng, chính thống. Mong rằng nền báo chí tỉnh ta sẽ ngày càng phát triển, đa dạng nội dung...

Có thể thấy, dù ở thế hệ nào, người dân vẫn luôn hướng về báo chí tỉnh nhà với những mong mỏi, niềm tin và kỳ vọng lớn lao. Chúc cho những người làm báo luôn nêu cao tinh thần nhiệt huyết, giữ vững ngòi bút công tâm, khách quan để luôn xứng đáng là “Đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng”./.

Bích Phượng

Xem thêm