Dự án liên kết trồng và tiêu thụ bí đỏ ở Ngân Sơn: Hợp đồng đổ bể, lỗi cả đôi bên

Thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm bí đỏ giữa đại diện chính quyền địa phương và Hợp tác xã Sang Hà, địa chỉ tại xã Thượng Giáo (Ba Bể), nhiều hộ dân ở xã Hiệp Lực và thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn) đã tham gia trồng gần 15ha cây bí đỏ. Cuối tháng 6/2022 cây bí đỏ bắt đầu cho thu hoạch quả, tuy nhiên việc thu mua của HTX và bán bí của người dân đều không theo hợp đồng cam kết.

Quả bí đỏ của hộ ông Hoàng Văn Quách, thôn Bản Cáu, xã Hiệp Lực không bán được nên đành băm nhỏ phục vụ chăn nuôi.
Quả bí đỏ của hộ ông Hoàng Văn Quách, thôn Bản Cáu, xã Hiệp Lực không bán được nên đành băm nhỏ phục vụ chăn nuôi.

Ông Lương Đình Xô, thôn Bản Cáu, xã Hiệp Lực cho biết: Gia đình tham gia trồng 2.000m2 cây bí đỏ vụ xuân năm 2022 theo Dự án liên kết do UBND xã triển khai xuống thôn. Tuy nhiên đến cuối tháng 8 vẫn chưa thấy Hợp tác xã Sang Hà đến thu mua. Một số hộ dân cần tiền đã đem những quả bí tốt nhất ra chợ bán lẻ để lấy tiền mua sắm vật dụng phục vụ sinh hoạt và chuẩn bị năm học mới cho trẻ em. Một số lượng bí sau khi thu hoạch về không có nơi bảo quản tốt nên đã bị hư hỏng. Theo ông Hoàng Văn Quách, Trưởng thôn Bản Cáu: Toàn thôn có 15 hộ tham gia trồng cây bí đỏ theo dự án liên kết này, với tổng diện tích khoảng 3ha. Giống bí đỏ và phân bón do đơn vị bao tiêu sản phẩm cung ứng. Từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua người dân đã thu hoạch quả bí mang về nhà bảo quản chờ đơn vị đến thu mua, nhưng đến cuối tháng 8 vẫn chưa thấy ai đến thu mua. Bất đắc dĩ một số hộ đem bí băm nhỏ để nuôi cá, chăn bò, lợn.

Tương tự thôn Bản Cáu, người thôn Bản Quản ở gần đó cũng tham gia trồng bí đỏ theo hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm, nhưng khi thu hoạch về không thấy ai đến thu mua, người dân rất thất vọng. Theo ông Hoàng Văn Thu, Trưởng thôn Bản Quản: Toàn thôn có 24 hộ tham gia trồng cây bí đỏ với diện tích gần 5ha, sản lượng sau thu hoạch đạt khoảng 7 tấn quả. Một số hộ mang một phần trong số những quả to, tốt ra chợ bán để lấy tiền trang trải. Trao đổi về việc này, ông Long Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết: Theo cam kết thì Hợp tác xã Sang Hà phải tới thu mua bí sau 10 đến 15 ngày khi người dân đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, do Hợp tác xã chậm đến thu mua nên một số hộ dân đã bán một phần quả bí ra các chợ và cho tư thương khác. Khi Hợp tác xã Sang Hà đến mua thì cho rằng số lượng còn ít, không đủ chuyến nên không thu mua.

Thị trấn Nà Phặc có 37 hộ tham gia trồng bí đỏ theo dự án với diện tích 4,9ha, sản lượng sau thu hoạch đạt hơn 20 tấn. Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nà Phặc (là người đại diện chính quyền địa phương đứng ra ký hợp đồng với Hợp tác xã Sang Hà): Sau khi thu hoạch, qua trao đổi với đại diện Hợp tác xã Sang Hà thì được biết đơn vị chỉ có thể thu mua bí với giá từ 2.000 - 2.300 đồng/kg. Do thấy mức giá này thấp hơn nhiều so với giá thị trường đầu vụ (khoảng 5.000 đồng/kg) nên nhiều hộ dân đã bán ra ngoài cho tư thương khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Đình Tá, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sang Hà- người trực tiếp ký các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm bí đỏ cho biết: Thực hiện Dự án liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm bí đỏ năm 2022, Hợp Tác xã Sang Hà phối hợp với UBND các xã Vi Hương (Bạch Thông); Hiệp Lực, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn) và xã Phúc Lộc (Ba Bể) thực hiện với tổng diện tích khoảng 30ha, năng suất bình quân đạt từ 9 đến 12 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 350 tấn. Những diện tích bí trồng ở các huyện Ba Bể và Bạch Thông đơn vị đã tổ chức thu mua. Còn tại thị trấn Nà Phặc, người dân sau thu hoạch mang bán những quả bí có chất lượng cho tư thương khác và đem bán tại các chợ với giá cao hơn so với giá hợp đồng đã ký; phần còn lại người dân không có nhu cầu bao tiêu.

Riêng đối với xã Hiệp Lực, do khoảng thời gian đầu vụ một số diện tích bị ngập úng, cây bí chết phải tổ chức trồng lại, khi thu hoạch muộn hơn so với các địa phương khác, nên Hợp tác xã Sang Hà tổ chức thu mua chậm hơn, lượng sản phẩm ít, giá thu mua của Hợp tác xã thấp hơn so với giá thị trường, do đó một số hộ dân không bán bí cho Hợp tác xã.

Cũng theo ông Lưu Đình Tá, Hợp tác xã Sang Hà có một phần lỗi là chưa phối hợp thường xuyên và nhịp nhàng với địa phương, do chưa thấy đơn vị đến thu mua nên bà con nóng lòng, bán bí cho tư thương khác và tại các chợ. Mặt khác, do Hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm quả bí với đối tác khác đem chế biến và xuất khẩu, nên phải trải qua nhiều công đoạn và cũng tuân thủ theo các nội dung hợp đồng đã ký kết về giá nên việc chia sẻ lợi ích với người dân trồng bí chưa thực hiện được, dẫn đến dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm quả bí đỏ ở Ngân Sơn niên vụ 2022 không đạt được như mong muốn. Các chi phí về giống, phân bón đã cung cấp cho người dân, phía Hợp tác xã sẽ chịu thiệt hại

Qua sự việc này, các doanh nghiêp, chính quyền địa phương và người dân cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tránh những điều đáng tiếc như tại dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm quả bí đỏ ở huyện Ngân Sơn./.

Văn Lạ

Xem thêm