Cần kiên quyết ngăn chặn hiện tượng nước đục ở Thượng Quan

Người dân xã Thượng Quan (Ngân Sơn) phản ánh, thời gian gần đây hiện tượng nước đục lại xuất hiện tại khu vực suối đầu nguồn từ mỏ vàng Ma Nu chảy xuống qua địa bàn xã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Phóng viên đã đến tìm hiểu về sự việc này.

Người dân phản ánh với phóng viên hiện tượng nước đục tại suối chảy qua thôn Ma Nòn
Người dân phản ánh với phóng viên hiện tượng nước đục tại suối chảy qua thôn Ma Nòn

Bà Lý Thị Chạn, người dân thôn Ma Nòn, xã Thượng Quan cho biết: Thời gian gần đây suối đầu nguồn từ khu vực mỏ vàng Ma Nu chảy qua thôn lại xuất hiện nước đục, có những thời điểm nước có màu nâu trắng tựa như nước xi măng khuấy lên. Gia đình bà hiện đang nuôi 07 con trâu sinh sản, hằng ngày chăn, thả dọc suối, nên mỗi lần trâu uống nước đục này gia đình rất lo lắng không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh sản của vật nuôi hay không. 

Còn ông Chu Khánh Việt, thôn Ma Nòn cho rằng, những diện tích ruộng của thôn đã dẫn nước đục này vào thì cây lúa sinh trưởng và phát triển chậm, nguy cơ giảm năng suất. Trước đây vài tháng, khi thấy có hiện tượng nước đục, nhiều người dân trong thôn đã có ý kiến với trưởng thôn và cấp trên, sau đó hiện tượng nước đục có giảm. Nhưng thời gian gần đây, hiện tượng nước đục lại xuất hiện trở lại, nhất là sau những đợt mưa to. Người dân mong muốn các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra, nắm bắt tình hình để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh để ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của bà con.

Theo lãnh đạo UBND xã Thượng Quan, hiện tượng nước đục thi thoảng vẫn còn xảy ra, đúng như người dân nêu. Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra thì có lúc do đơn vị khai thác vàng đã được cấp phép để xảy ra sự cố, có lúc thì do một số người dân ở cả 02 xã Thượng Quan và Đức Vân, một số người từ nơi khác đến đào bới, mót quặng vàng nên khi kiểm tra phát hiện xã đã tuyên truyền, nhắc nhở. Để ngăn chặn triệt để vấn đề này cần có sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh và huyện, đánh giá tác động môi trường và thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Tuệ, Phó Giám đốc mỏ vàng Pác Lạng cho biết: "Hiện tượng nước đục theo người dân phản ánh là đúng, nhưng không phải thường xuyên. Sau mỗi đợt mưa khi có nước tích lại ở các khe thì một số người dân đến cào lại các vị trí có sái sỉ cũ ở ven suối để mót vàng nên gây ra hiện tượng nước đục và chỉ diễn ra trong vài ngày sau mỗi trận mưa. Chúng tôi đã yêu cầu bảo vệ nhắc nhở nhưng vẫn không triệt để.

Trước tình trạng đó, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân không tham gia cào sái gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Phía đơn vị cũng đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn. Hơn nữa, đơn vị cũng đã dành gần 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đập ứng phó sự cố môi trường tại khu vực ngã ba Ma Nòn và chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến trong tháng 10 sẽ đưa vào sử dụng, nhằm ngăn chặn, hạn chế những sự cố môi trường tương tự."

Thiết nghĩ, để ngăn chặn và khắc phục triệt để về vấn đề môi trường cũng như hiện tượng nước đục xảy ra bấy lâu nay tại khu vực mỏ vàng Ma Nu chảy xuống hạ lưu suối thì các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh và các xã liên quan cần tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm. Mặt khác, quan tâm tạo điều kiện tốt nhất về sinh kế, tạo việc làm cho lao động nông thôn bằng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để người dân không tham gia đào bới mót sái quặng vàng như hiện nay./.

Văn Lạ

Xem thêm