Bài dự thi Giải báo chí Búa liềm vàng: Xuất khẩu nông sản - kỳ vọng đột phá cho ngành nông nghiệp ở Na Rì

Thời cơ và thách thức với dong riềng- Bài 2

Dong riềng là cây trồng bản địa, được người dân huyện Na Rì canh tác từ lâu để chế biến ra sản phẩm miến dong. Cây dong riềng được trồng chủ yếu trên đất nương rẫy, đất ruộng và soi bãi... Sản phẩm Miến dong Bắc Kạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chỉ dẫn địa lý. Năm 2020, sản phẩm miến dong Tài Hoan đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Có 02 giống dong riềng được sử dụng là giống DR1 chiếm 95% diện tích (giống do Viện Cây lương thực và Thực phẩm chọn tạo có năng suất cao) và giống địa phương chiếm khoảng 5% diện tích, tỷ lệ tinh bột cao.

HTX Huấn Liên, thôn Chợ B, xã Côn Minh tranh thủ ngày nắng để phơi miến.
HTX Huấn Liên, thôn Chợ B, xã Côn Minh tranh thủ ngày nắng để phơi miến.

Theo tính toán của nhiều nông hộ, dong riềng phát triển tốt cho thu nhập gấp hai, ba lần so với trồng lúa, ngô. Toàn huyện hiện có hàng trăm cơ sở, hộ gia đình sản xuất tinh bột và chế biến miến dong. Các cơ sở sản xuất không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì, vệ sinh ATTP. Huyện Na Rì đã có 07 sản phẩm miến được công nhận OCOP, trong đó 06 sản phẩm đạt 3 sao và 01 sản phẩm đạt 5 sao.

Riêng xã Côn Minh, hiện nay, hàng chục cơ sở có dây chuyền hiện đại chế biến tinh bột, miến dong và hàng trăm hộ làm miến dong tráng tay truyền thống, giúp tạo việc làm cho nhiều lao động. Các cơ sở chế biến bao tiêu cho hàng trăm héc-ta dong riềng của người dân, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Việc nâng mức thu nhập để hoàn thành tiêu chí Thu nhập trong xây dựng nông thôn mới cũng trông chờ phần lớn từ cây dong riềng.

Mặc dù có tiềm năng và lợi thế và đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng sức cạnh tranh của sản phẩm miến dong Na Rì trên thị trường còn thấp, quá trình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ. Sản phẩm miến dong hiện nay chiếm thị phần tại các thị trường ngoài tỉnh còn khiêm tốn và đang chịu sự cạnh tranh từ nhiều sản phẩm cùng loại. Do vậy, các HTX xác định cần phát triển hàng hóa theo quy hoạch thống nhất, tạo thành chuỗi sản xuất, kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, liên kết chuỗi ổn định; chế biến sản phẩm theo một lộ trình bài bản... Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân. Việc liên kết cần được thực hiện chặt chẽ hơn để bảo đảm được nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, còn nông dân có thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế ổn định, yên tâm sản xuất. Ngoài ra, người dân mong có cơ hội tiếp cận thường xuyên hơn với tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao trình độ canh tác. 

Do nhiều nguyên nhân mà 2 năm gần đây nhiều hộ dân ở Na Rì đã chuyển sang trồng loại cây khác, mặc cho giá dong riềng ổn định, trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg củ. Theo ông Lục Văn Bảy, Bí thư Chi bộ thôn Bản Cào, một trong những hộ trồng dong riềng lâu năm cho biết: “Việc liên kết giữa người trồng dong và cơ sở chế biến chưa có sự hài hòa. Dong riềng là loại cây cần nhiều chất dinh dưỡng, không bón phân thường xuyên thì đất sẽ nhanh bạc màu. Mặt khác, dong riềng mất nhiều sức lao động khi thu hoạch, chi phí vận chuyển lớn, nếu trồng xa đường, nông dân chi phí gần một nửa cho việc vận chuyển… Dù trên địa bàn có HTX Tài Hoan thu mua ổn định nhưng nhiều hộ vẫn giảm diện tích hoặc không muốn duy trì” trồng dong.

Bà Nông Thị Sen, Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho hay: Năm 2021, xã Côn Minh được giao trồng 60ha dong riềng, thực hiện được 40,3ha,  giảm gần 20ha so với năm trước đó. Năm nay được giao thấp hơn (50ha), nhưng cũng chỉ thực hiện đạt 45,3ha. Mặc dù có truyền thống trồng và chế biến dong riềng nhưng để hoàn thành 100% kế hoạch giao, xã gặp khó khăn. Tình trạng nhiều hộ không mặn mà đã làm giảm nhiều diện tích dong riềng so với trước đây, điều này dẫn đến khó bảo đảm bền vững cho vùng nguyên liệu trong thời gian tới.

Để ổn định sản xuất, Các HTX chế biến dong riềng cần phải xác định phát triển nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hóa theo quy hoạch thống nhất; đổi mới quản trị, cơ cấu lại chuỗi liên kết ổn định, chế biến sản phẩm theo một lộ trình bài bản, tạo thành chuỗi sản xuất, kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm từ cây dong riềng trên thị trường./. (Còn nữa).

Tùng Vân

Xem thêm